Dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trương Hòa Bình.
496/870 người trúng cử
Báo cáo về kết quả cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tổng số cử tri cả nước 67.485.480 cử tri, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu 67.049.200 cử tri, đạt 99, 35%.
Nhìn chung tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao trên 90%, trong đó có Thừa Thiên Huế cao nhất là 99,99%; các tỉnh Yên Bái 99,98%; Quảng Nam 99,97%; Bình Thuận 99,97%; Lai Châu 99,96%; Trà Vinh 99,94%; Kon Tum, Bến Tre, Hậu Giang 99,93%.
Về kết quả bầu cử ĐBQH, ông Phúc cho biết: Tổng số người ứng cử ĐBQH khóa 14 là 870 người, tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22/5 và bầu thêm ngày 29/5 ở Cần Thơ là 496 người. Trong đó đại biểu do các cơ quan tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 182/197 người trúng cử; cơ cấu Đảng có 12/12 người trúng; Chủ tịch nước có 3/3 người trúng; Chính phủ có 17/17 người trúng; Tòa án có 1/1 người trúng; Viện kiểm sát có 1/1 người trúng; Bộ Quốc phòng có 15/15 người trúng; Bộ Công an có 3/3 người trúng; Quốc hội có 104/113 người trúng; Mặt trận và các tổ chức thành viên có 25/31 người trúng; có 15 người do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử ở các địa phương.
Về cơ cấu kết hợp, dân tộc thiểu số thiếu 4 người so với dự kiến; phụ nữ thiếu 17 người so với dự kiến; ngoài Đảng giảm 4,2 so với khóa XIII; trẻ tuổi cao hơn 21 người so với dự kiến; tái cử bằng số dự kiến, nhưng giảm 1,1 so với khóa XIII; tự ứng cử giảm 0,4% so với khóa XIII.
Cũng theo ông Phúc, phải hủy bỏ kết quả bầu cử ĐBQH khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở khu vực bỏ phiếu số 2, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vì có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Và đã tiến hành bầu lại vào ngày 5/6.
Về kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp theo ông Phúc, báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi về cho thấy, cấp tỉnh có 3908 người trúng cử, thiếu 8 đại biểu; cấp huyện có 25.179 người, thiếu 120 đại biểu; cấp xã có 291.273 người, thiếu 6.626 đại biểu.
Hiệp thương lần thứ 3 còn hạn chế
Cũng theo ông Phúc, kết quả cuộc bầu cử lần này vẫn có nhiều hạn chế. Đơn cử như không bầu được đủ số lượng ĐBQH theo dự kiến, cơ cấu đại biểu chưa đạt được như định hướng dự kiến ban đầu nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài Đảng, có nơi phải tiến hành bầu cử thêm.
“Vẫn có trường hợp để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại, sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu. Nhiều nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND nhất là đại biểu HĐND cấp xã. Tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn chưa được khắc phục”-ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho biết, trong công tác hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên vẫn còn có hạn chế đó là việc loại một số ứng cử viên ứng cử ĐBQH trong hiệp thương lần thứ 3 mà được cử tri nơi cư trú, cử tri ở cơ quan tín nhiệm đã gây dư luận không tốt.
Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử giữa các nơi vẫn chưa thực hiện thống nhất, có nơi tổ chức ít, có nơi tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc gây tâm lý cho người ứng cử. Trong vận động bầu cử vẫn có trường hợp thiếu bình đẳng.