Thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh từ 262 xã giảm xuống còn 216 xã. Sau sáp nhập hình thành 34 xã trên cơ sở sáp nhập lại 80 xã theo địa giới hành chính mới. Hiện Hà Tĩnh dôi dư 46 trụ sở. Trong đó có những trụ sở xã vừa xây dựng, tu bổ với kinh phí nhiều tỷ đồng nhưng hiện tại đang bỏ không chưa sử dụng.
Trụ sở của xã Thạch Hương (cũ) có diện tích rộng hàng ngàn m2, gồm hai dãy nhà hai tầng cùng hội trường khang trang được xây dựng vào năm 2018 với nguồn vốn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên vừa đưa vào sử dụng chưa được 2 năm thì nay bỏ hoang sau khi sáp nhập với xã Thạch Tân, Thạch Lâm thành xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà).
Ông Nguyễn Đình Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương (nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Hương cũ) cho biết: “Hiện trụ sở này đang còn đẹp, mới đưa vào sử dụng khoảng 2 năm. Giai đoạn từ năm 2017 đến hết 2018, đầu năm 2019, kinh phí bỏ ra để xây dựng khu trung tâm hành chính là trên 8 tỷ đồng”, ông Kiều cho hay.
“Việc sáp nhập là một chủ trương đúng đắn nhằm tinh giản bộ máy quản lý, giảm chi phí ngân sách Nhà nước. Nhưng hiện nay một số trụ sở xã đang bỏ hoang, chưa có kế hoạch sử dụng rất lãng phí ngân sách. Như trụ sở xã Thạch Hương cũ mới xây dựng lại, chưa sử dụng được bao nhiêu thì giờ bỏ hoang để vậy rất lãng phí”, ông Nguyễn Văn Tuấn (75 tuổi, trú xã Thạch Hương cũ) chia sẻ.
Tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), hiện có 12 trụ sở xã dư thừa không được sử dụng. Huyện này là một trong những địa phương có nhiều xã sáp nhập nhất nước từ 28 xã, thị trấn xuống còn 16 xã, thị trấn. Có những trụ sở xã vừa được đầu tư tiền tỷ để xây dựng, sửa sang lại nhằm về đích nông thôn mới nhưng nay cũng bỏ không.
Như xã Đức Thanh, Đức Bình, Đức Thịnh sáp nhập thành xã Thanh Bình Thịnh có 2 trụ sở xã bị bỏ hoang. Trong đó, trụ sở xã Đức Thanh cũ phải đầu tư hơn 4 tỉ đồng để về đích nông thôn mới, trong khi xã còn nợ xây dựng nông thôn mới khoảng 10 tỉ đồng…
Các phòng làm việc khóa trái cửa.
Còn tại huyện Lộc Hà sau khi sắp xếp, huyện Lộc Hà có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và 1 thị trấn. Trong ảnh trụ sở xã Bình Lộc cũ đang bỏ không chưa có kế hoạch sử dụng.
Bên trong trụ sở xã Bình Lộc cũ có kim tiêm, bằng khen vứt ngổn ngang dưới hành lang.
Các hạng mục bên trong trụ sở đã xuống cấp.
Trụ sở xã Thạch Đồng cũ bỏ hoang sau khi sáp nhập với xã Thạch Môn thành xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh).
Trụ sở xã Thạch Đồng cũ còn đẹp "long lanh".
Hội trường lớn nay cũng bỏ không.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý Giá và Công sản - Sở Tài chính Hà Tĩnh, việc bán tài sản gắn liền với đất ở các xã dôi dư đang gặp nhiều khó khăn. Bởi còn có vướng mắc trong việc xác định giá khởi điểm. Trên thực tế, trong thời gian qua một số trụ sở cũ đã được bán đấu giá, tuy nhiên việc đấu giá không thành do không có tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá. Trong ảnh trụ sở xã Cẩm Nam (huyện Cẩm Xuyên) không được sử dụng sau sáp nhập.
“Đối với các trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập nếu không kịp thời xử lý thì sẽ không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Vì thế trước đó UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương soát xét lại các cơ sở nhà đất sau khi sáp nhập, phải có trách nhiệm bảo quản khi chưa có phương án xử lý”, lãnh đạo Phòng Quản lý Giá và Công sản cho hay. Trong ảnh trụ xở xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên) bỏ không chưa có kế hoạch sử dụng.