306 thiếu nhi tiêu biểu toàn quốc tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II

TPO - Tham dự phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024 có 306 đại biểu là các em đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các em sẽ thảo luận, chất vấn trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng toà nhà Quốc hội về 2 chủ đề nóng liên quan đến trẻ em.

Sáng 23/9, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban ngành liên quan tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024.

Chủ trì buổi gặp mặt có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức phiên họp Nguyễn Phạm Duy Trang; Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư, Phó Trưởng ban tổ chức phiên họp Lê Hải Long.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, chị Nguyễn Phạm Duy Trang (giữa) và anh Lê Hải Long chủ trì buổi gặp mặt

Tham dự buổi gặp mặt còn có Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, cùng đại diện lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, ban, bộ ngành T.Ư, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn, các đồng chí thành viên Ban tổ chức, Ban cố vấn của phiên họp và một số em thiếu nhi là đại diện cho các đại biểu của phiên họp giả định.

Nhiều điểm mới

Anh Lê Hải Long - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư, Phó Trưởng ban tổ chức, cho biết, tham dự phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024 có 306 đại biểu là các em đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong số 306 đại biểu thiếu nhi có 259 em dân tộc Kinh và 47 em dân tộc thiểu số. Về thành tích học tập, có 11 em đạt giải thưởng quốc tế, 28 em đạt giải thưởng cấp quốc gia, 77 em đạt giải thưởng cấp tỉnh/thành phố, 126 em đạt giải thưởng cấp huyện/quận.

Về chức vụ Đội, có 85 em là Liên đội trưởng, 71 em là Liên đội phó, 32 em là Ủy viên Ban Chỉ huy Liên đội, 17 em là Chi đội trưởng, 4 em là Chi đội phó, 88 em là đội viên.

Có 12 em là Chủ tịch Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 15 em là Phó Chủ tịch Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 41 em là thành viên Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 6 em là Chủ tịch Hội đồng trẻ em cấp huyện, 7 em là Phó Chủ tịch Hội đồng trẻ em cấp huyện và 21 em là thành viên Hội đồng trẻ em cấp huyện.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức phiên họp trao đổi tại buổi gặp mặt báo chí.

Trao đổi tại buổi gặp mặt báo chí, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, phiên họp năm nay có nhiều điểm mới, ấn tượng. Hai chủ đề của phiên họp là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” đều do chính các em lựa chọn.

Tất cả 306 đại biểu trẻ em tham gia phiên họp lần này được lựa chọn rất bài bản từ 2 nguồn là Hội đồng Đội các tỉnh, thành giới thiệu; các em tự ứng cử qua việc xây dựng video clip trình bày chương trình hành động nếu được tuyển chọn làm đại biểu phiên họp và vòng phỏng vấn. Trong số các em tự ứng cử không chỉ được chọn làm đại biểu chính thức của phiên họp mà còn được tin tưởng giao đảm nhận vai trò chủ chốt trong phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa trao đổi tại buổi gặp mặt.

Trước khi diễn ra phiên họp, các em được tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức về Quốc hội, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; giới thiệu các văn bản, chính sách pháp luật liên quan tới 2 chủ đề phiên họp; kỹ năng tiếp xúc với “cử tri trẻ em”; tổng hợp ý kiến, trình bày phát biểu tại phiên họp; kỹ năng phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí…

Bên cạnh đó, ban cố vấn của phiên họp cũng đồng hành, hỗ trợ để các em thực hiện tốt nhất vai trò cử tri đại diện tiếng nói của hơn 25 triệu trẻ em trên cả nước.

Các đại biểu thiếu nhi tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024

Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị cho phiên họp, các em chủ động, tự thảo luận tại tổ bàn về chủ đề phiên họp.

“Nhiều em thể hiện rất rõ tố chất lãnh đạo, điều hành và tố chất tổng hợp rất sắc sảo. Tôi thấy rất tự hào về năng lực, trình độ, sự tự tin của các đại biểu thiếu nhi thể hiện trong phiên họp lần này”, chị Trang nói.

Sẽ thông qua Nghị quyết của phiên họp

Diễn ra trong 3 ngày, Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần này có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Ngày thứ nhất (27/9), các đại biểu của Phiên họp sẽ tham gia chương trình gặp mặt thân mật giữa Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư. Buổi tối, các đại biểu tham quan trải nghiệm “Tinh hoa đạo học” tại Văn miếu Quốc tử giám.

Đại biểu phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024 - em Thào Mí Phềnh đến từ huyện Mèo Vạc, Hà Giang

Em Nguyễn Thủy Tiên (lớp 9C, trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đại biểu phiên họp trao đổi tại buổi gặp mặt báo chí.

Ngày thứ hai (28/9), buổi sáng, các đại biểu tham gia dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Bắc Sơn, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Bảo tàng Quốc hội; khai mạc phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024.

Buổi chiều, các đại biểu tham gia thảo luận tại 12 tổ tại Tòa nhà Quốc hội với 2 chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

Ngày thứ ba (29/9), diễn ra phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng toà nhà Quốc hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại chương trình.

Tham dự chương trình có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

"Chúng tôi hy vọng tiếng nói tại phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn cho mong muốn của trẻ em trong giải quyết vấn đề trẻ em hiện Quốc hội khoá XV đang quan tâm.

Đây cũng là động lực mạnh mẽ hơn để các thành viên Chính phủ thấy rõ hơn vai trò của mình đẩy nhanh tiến độ giải quyết những lời hứa của các bộ trưởng trước Quốc hội về các vấn đề của trẻ em", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang và các đại biểu cùng các em thiếu nhi tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu trẻ em được đóng vai thành đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ. Trong phiên họp, các ý kiến phát biểu đóng góp của các đại biểu “Quốc hội trẻ em” sẽ phản ánh những ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương.

Đồng thời, các đại biểu phiên họp giả định sẽ tham gia và trả lời chất vấn về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường, để làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.

Kết thúc phiên toàn thể, các em sẽ thông qua Nghị quyết của phiên họp. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027”.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em, cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng. Đây cũng là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.