300 di sản triệu năm trong công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh

Kiến tạo địa chất liên tục cùng hoạt động núi lửa rộng khắp đã tạo nên 300 di sản "hiếm hoi thế giới" trong công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản vừa công bố kết quả nghiên cứu về đề án công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Trong hình là gành đá uốn lượn ven biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.

Tháng 3, trầm tích núi lửa nhuốm màu rêu xanh tạo bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ở vùng ven biển Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Gành đá kỳ thú ở vùng ven biển Bình Sơn. Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia nhận định công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có lịch sử tiến hóa địa chất liên tục ít nhất khoảng 2 tỷ năm trước. Điều này thể hiện từ tập hợp các loại đá phong phú (magma, trầm tích, biến chất) từ cổ xưa đến rất trẻ.

Huyện đảo Lý Sơn hệt như trái tim giữa biển trời mênh mông. PGS.TS Vũ Cao Minh, Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết riêng địa phương này có 10 miệng núi lửa phun trào khoảng 9-11 triệu năm trước.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cho biết công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có hoạt động núi lửa rộng khắp từ khoảng 15 triệu năm trở lại đây cùng với tách giãn, hình thành biển Đông (cùng thời với hình thành các biển ven rìa lục địa Châu Á - Thái Bình Dương).

Đôi chim bồ câu về tổ trên vách đá trầm tích núi lửa ở huyện đảo Lý Sơn.

Xã đảo An Bình (còn gọi là đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn. "Các thời kỳ phun trào núi lửa khác nhau đã tạo nên những tuyệt phẩm tự nhiên từ sự tương tác giữa biển và núi lửa. Di sản địa chất ở Quảng Ngãi ví như bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi trên thế giới", ông Văn nhận định.

Vách đá hang Câu, một trong những kỳ quan thiên nhiên ở huyện đảo Lý Sơn. Các nhà khoa học cho hay vách đá trầm tích núi lửa nơi đây có niên đại khoảng 10 triệu năm.

Miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm, có đường kính 0,35 km, cao 149 m.

Du khách tắm biển bên trầm tích núi lửa hàng triệu năm ở đảo Bé Lý Sơn. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thu, nguyên Giám đốc Trung tâm Địa Đật lý - Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, cho rằng trầm tích núi lửa tạo nên nhiều cảnh quan độc đáo cho vùng biển Bình Châu - Lý Sơn.

Dấu tích miệng núi lửa cổ nằm sát biển Ba Làng An, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. "Nếu biết cách bảo tồn và phát huy di sản thiên nhiên, khu vực này sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và các nhà nghiên cứu địa chất trên thế giới", ông Thu nói.

Hoàng hôn về bên ngọn hải đăng sát biển ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Là điểm đến lý thú cho mỗi du khách đến Quảng Ngãi, miệng núi lửa ở Gành Yến có niên đại hàng triệu năm với kiến trúc trầm tích xếp chồng lên nhau độc đáo.

Eo biển Bình Châu - nơi có "Nghĩa địa tàu cổ" đắm bí ẩn ở Quảng Ngãi. Phó giáo sư Mark Staniforth, Đại học Monash (Australia) - chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước, nhận định nhiều tàu cổ đắm dày đặc ở vùng biển này đã minh chứng Bình Châu là thương cảng cổ từng giao thương trên biển sầm uất.

Con tàu cổ đắm 700 tuổi ở vùng biển Bình Châu. Khảo sát trong phạm vi 10 km2 ở vùng biển nơi đây, các nhà khảo cổ dưới nước đã phát hiện 10 tàu cổ đắm. Trong đó, hai con tàu đã được khai quật, số còn lại có nhiều cổ vật gốm sứ, vật dụng thủy thủ đoàn được xác định với nhiều niên đại khác nhau từ thế kỷ 8 đến 18 nằm gần bờ.

Vùng biển Sa Huỳnh, nơi nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện khoảng 200 mộ chum vào năm 1909. Cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) là "ba cái nôi văn minh" xưa tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngư dân mưu sinh trên đầm An Khê gần sát vùng biển Sa Huỳnh. Tiến sĩ Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, đánh giá những làng chài nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.

Lễ hội cầu ngư mang nét văn hóa đặc trưng miền biển của cư dân Sa Huỳnh. Các chuyên gia đánh giá những làng chài nơi đây bức tranh tổng thể đa dạng giá trị di sản, hội tụ tinh hoa của ba nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt.

Các ngư dân trong trang phục rực rỡ hát sắc bùa trong lễ hội cầu ngư đầu xuân mới ở làng chài Sa Huỳnh. Tháng 11/2019, Quảng Ngãi đã trình hồ sơ dự án công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đến UNESCO để xem xét, công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Theo Theo Zing