Năm nay việc xét tuyển ĐH, CĐ có 2 điểm mới nổi bật là các trường tự xác định điểm sàn, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. “Những trường đã kiểm định được tự xác định chỉ tiêu còn các trường chưa được kiểm định thì tự xác định chỉ tiêu nhưng không vượt quá so với chỉ tiêu các năm trước” - bà Phụng lưu ý.
Thống kê của Vụ giáo dục ĐH cho thấy, hiện có 60% các trường tham gia xét tuyển theo nhóm, nhờ đó đã giúp “lọc ảo” hiệu quả. Theo bà Phụng, các trường ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT điều động về địa phương tham gia tổ chức thi đã hoàn thành phương án huy động cán bộ giảng viên về địa phương. Các trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch tham gia tổ chức thi với các địa phương đáp ứng yêu cầu của quy chế; có phương án cụ thể, khả thi cho việc đi lại, ăn ở cũng như bảo đảm an ninh, an toàn trong thời gian làm công tác thi;
Đồng thời triển khai tập huấn nghiệp vụ công tác thi cho cán bộ, giảng viên; Đã thực hiện việc bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng, đủ tiêu chuẩn tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các địa phương theo điều động của Bộ GD&ĐT. Bà Phụng cho hay, năm 2018, cả nước đã điều động hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp với các địa phương để tổ chức thi.
Bà Phụng cũng nhấn mạnh đến việc các trường xét tuyển tổ hợp lạ đã được báo chí phản ánh và Bộ GD&ĐT nhắc nhở. Tuy nhiên, một số trường chưa tiếp thu nên Bộ đã đóng cổng thông tin tuyển sinh. Với biện pháp “mạnh” này, các trường đã phải điều chỉnh theo quy định. Được biết, không những thế, bắt đầu từ năm 2018, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Bộ đã tổ chức các đoàn đi thanh tra, từ danh sách trường cung cấp, Bộ đã gọi điện trực tiếp cho sinh viên. Kết quả là có hiện tượng một số trường công bố tỷ lệ quá cao, không sát với thực tế và đã cảnh báo các trường này. Bộ sẽ có chế tài mạnh đối với các trường kê khai không đúng các thông tin.