> “Gặp gỡ Việt Nam” diễn đàn học thuật đỉnh cao
> Hàng chục nhà bác học tới Việt Nam
> Bảy nhà khoa học đoạt giải Nobel sẽ đến Việt Nam
Đây là sự kiện khoa học quốc tế, điểm hẹn học thuật đỉnh cao với sự tham dự của 200 nhà khoa học đến từ 30 quốc gia, đặc biệt là sự góp mặt của 5 nhà bác học đoạt giải Nobel Vật lý.
“Gặp gỡ Việt Nam” lần IX có 4 Hội nghị khoa học (Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý nano: Từ cơ bản đến ứng dụng; Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ); 2 lớp học chuyên đề (Vật lý Việt Nam lần thứ 19: Vật lý chất đặc lý thuyết và tính toán; Vật lý thiên văn lần 1: Vật lý thiên văn và vũ trụ học); Hội thảo và tập huấn “Bàn tay nặn bột” (đồng tổ chức cùng Bộ GD-ĐT).
Điểm hẹn
Việc tập hợp hàng trăm nhà khoa học của nhiều nước về một nơi là điều không hề dễ dàng. Vì thế, tôi mong các sinh viên, giảng viên chuyên ngành liên quan của Đại học Quy Nhơn và các trường đại học khác ở Việt Nam hãy tận dụng cơ hội này để gặp và nói chuyện, chia sẻ những băn khoăn, mong muốn để bổ sung thêm kiến thức, giúp nâng cao trình độ, không chỉ trong học tập, giảng dạy mà còn trong nghiên cứu khoa học tương lai
“Nói đây là cơ hội gặp gỡ khoa học cũng đúng, vì nó hiếm và hơn hết là sự kiện học thuật đỉnh cao, có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là điểm hẹn khoa học quốc tế mà tôi ấp ủ gần 50 năm nay”, Giáo sư Trần Thanh Vân, Trưởng ban tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” nói.
Hai ngày qua, Hội nghị chủ đề Vật lý nano: từ cơ bản đến ứng dụng, do Giáo sư Klaus von Klitzing (70 tuổi, nhà vật lý người Đức, được trao giải Nobel năm 1985 với công trình Hiệu ứng Hall lượng tử) chủ trì. Khoảng 200 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia và nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh của Việt Nam tham dự.
Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ: “Tôi có quá khứ gần 50 năm đồng hành cùng các bạn, nay đều là nhà khoa học, bác học đoạt giải Nobel trên thế giới. Chính vì mối thâm giao đó, cái tình nghĩa bạn bè và đất nước bình yên Việt Nam mới có một cuộc hội ngộ khoa học đỉnh cao như thế này”.
Theo Giáo sư Vân, mục đích của sự kiện mà ông gọi chung là “Hội nghị học thuật” là nhắm tới các nhà nghiên cứu trẻ. Trong khoảng 200 nhà khoa học nhận lời mời về Việt Nam, ít nhất 20 nhà khoa học trẻ, trong đó cũng có những người đoạt giải thưởng Nobel rất trẻ. Ở các nhà khoa học trẻ có những điều hiện đại, những cái mà chính các nhà bác học Nobel cũng muốn hội tụ về để nghe họ thuyết trình, nghe họ nói về cái mới, cái hiện đại…
50 năm một tâm huyết
Mặc dù Giáo sư Trần Thanh Vân và vợ là Giáo sư Lê Kim Ngọc có nhiều thành công với khoa học quốc tế, nhưng vẫn luôn đau đáu với quê hương. Do vậy, Trung tâm quốc tế gặp gỡ khoa học và giáo dục đa ngành (ICISE) được xây dựng ở TP Quy Nhơn là tâm huyết của Giáo sư Trần Thanh Vân, với mục đích nhằm phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ trong nước, cũng như khu vực châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế.
50 năm một tâm huyết, sự kiên trì của Giáo sư Trần Thanh Vân, với sự hỗ trợ tối đa, nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Bình Định, đã hình thành ICISE ở TP Quy Nhơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Hữu Lộc, nói: “Sự kiện Gặp gỡ Việt Nam và đặc biệt là Giáo sư Trần Thanh Vân chọn TP Quy Nhơn để xây dựng ICISE là niềm vinh dự lớn của Bình Định”.
“Gặp gỡ Việt Nam” bắt đầu hoạt động từ năm 1993 nhằm tổ chức những Hội nghị khoa học quốc tế và mở trường Vật lý để tăng cường sự giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam và vùng châu Á – Thái Bình Dương với các miền khác trên thế giới.
Gặp gỡ Việt Nam lần IX là một trong những hoạt động góp phần kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt – Pháp; 20 năm “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ I tại Hà Nội năm 1993, do Hội khởi xướng, chủ trì.