20 năm dùng nước bẩn

Nằm sát Nhà máy nước Cầu Nguyệt, Hải Phòng, nhưng 20 năm nay người dân phường Tràng Minh (tức làng Phù Lưu) khát nước sạch. Nước giếng ở đây, khoan sâu 60m cũng chỉ dùng để rửa rác.
Rác chất thành núi trong đường làng, ngõ xóm

Mùi rác khẳm thối bốc lên nồng nặc khi chúng tôi vừa đặt chân tới con mương rìa làng. Gọi là mương nhưng chẳng ai dùng nước ở đây để làm ruộng, tưới tắm vườn tược cả, bởi nước đã chuyển sang màu đen sền sệt.

Người già trong làng cho biết từ ngày nghề rác sinh lợi, dân Phù Lưu kéo nhau đi “chợ nhặt”, tha lôi về làng đủ những thứ người đời bỏ đi. Làng thành... làng rác.

Trung bình mỗi ngày người Phù Lưu tha về làng khoảng 20 tấn rác; chúng được phân loại, súc rửa, phơi phóng, đốt... và phần lớn tạp chất của những công đoạn ấy nằm lại trên đất của làng, theo mưa ngấm vào mạch nước ngầm.

Có nhà bỏ tiền thuê thợ khoan giếng, mũi khoan sâu hơn 60m, nước vẫn có mùi, chỉ dùng để rửa rác thì được. Rồi cả làng phải đi mua nước ăn.

Chị Phạm Thị Hân (chủ quán nước cuối chợ Phù Lưu) cả ngày lúc nào cũng khư khư cái khẩu trang trên mặt, than thở: “Cái ngày tôi về làm dâu cách đây 20 năm đã thấy người làng phải đi mua, đi lấy nước sạch ở các vùng khác về rồi. Giờ thì nước càng ngày càng đắt, cũng phải cắn răng mà mua”.

Ngày nào ba loại phương tiện: ôtô hai tấn, xe công nông, xe bò cũng liên tiếp chở nước sạch về làng. Một khối nước sạch giá 30.000-35.000 đồng.

Nhà nào cũng mang quần áo, xô chậu bát đĩa ra rửa ráy, giặt giũ ở con sông Đa Độ chảy qua cuối làng. Một gia đình sát bờ sông thấy vậy xây chiếc cầu xi măng rộng rãi, chắc chắn, cắt cử người nhà bắc ghế trông, thu phí 500 đồng một lượt giặt, nhà nào đóng một cục 20.000 đồng lúc xây cầu thì không phải trả phí.  

Nước sạch trước nhà mà không được dùng

Bà Lê Thị Thu Nhàn, chủ tịch UBND P.Tràng Minh, đưa ra con số thống kê do thiếu nước sạch nên gần như 100% số người trong phường (gần 10.000 nhân khẩu) bị bệnh đau mắt hột, 70 % phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa, còn bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp khó đếm xuể.

Riêng tỉ lệ tàn tật, dị tật bẩm sinh thì đứng đầu ở quận Kiến An với gần 150 người.

Cuối tháng 6/2005, Sở tài nguyên môi trường Hải Phòng phân tích nguồn nước tại Phù Lưu phát hiện nồng độ sắt trong nước giếng khơi cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ nhu cầu hóa học (COD) trong nước mương cao gấp 2,85 lần; chỉ tiêu Coliform trong nước mương vượt 1,8 lần.

Ông Lê Sơn, trưởng phòng môi trường (sở Tài nguyên - môi trường) nói: “Với các thông số này thì cuộc sống, sức khoẻ của người dân Phù Lưu đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng - có thể nói họ đang sống trong một môi trường “nguy hiểm”.

Bà Lê Thị Thu Nhàn, chủ tịch UBND phường Tràng Minh, cho biết người Phù Lưu đã bắt đầu đi xin dự án nước sạch về phường từ năm 1998.

Năm ngoái, ngân hàng thế giới đã đồng ý tài trợ 90% kinh phí (hơn 10 tỉ đồng) để phường làm dự án hỗ trợ khu dân cư thu nhập thấp với bốn hạng mục: cấp - thoát nước, điện chiếu sáng và đường. Vốn đối ứng, một phần rót từ thành phố, còn lại khoảng 400 triệu do dân phường đóng góp.

Cuối tháng 9-2005, dự án khởi công, nơi được chọn là ba cụm dân cư nghèo nhất phường (cụm 4, 5 và 6) với hơn 1.000 hộ. Tính ra mỗi hộ phải bỏ gần 1 triệu đồng mới có nước sạch dùng.

Và sau hai tháng dự án khởi công, số tiền vốn đối ứng từ dân mới thu được khoảng 40 triệu đồng, chủ yếu do các hộ khá giả đóng, còn hàng trăm hộ khác do quá nghèo đã không có đủ tiền để được hưởng lợi từ dự án nước sạch trên.

Tính thêm khoảng 1.000 hộ của Phù Lưu tại bốn cụm dân cư không thuộc dự án trên, thì phần lớn dân số trong phường vẫn phải “dài cổ” chờ nước sạch.

Những đường ống dẫn nước đã lắp đặt. Nước sạch đã đến mặt ngõ, đến ngay thềm nhà nhưng dân Phù Lưu vẫn chìm trong cơn khát.

Theo Trọng Phú
Tuổi trẻ