Tay chơi thuyền buồm U70 người Nga bị nạn giữa đại dương:

17 ngày làm... ngư dân Việt

TP - Một mình phiêu lưu trên chiếc thuyền buồm, để rồi suốt gần 40 ngày bị trôi dạt trên biển từ Nhật Bản, mọi tín hiệu hỗ trợ đều không đáp trả, tưởng chừng như Thần chết đã rộng cửa đón chào Rimas Meleshyus (66 tuổi, quốc tịch Nga). May mắn thay, giữa đại dương thì chiếc thuyền buồm gặp nạn của ông được “xô” tới Việt Nam. Những ngư dân miền Trung rắn rỏi đã cứu ông khi người đã “mềm như cọng bún”, để rồi suốt nửa tháng tiếp theo ông lại rong ruổi...đánh bắt hải sản cùng những ngư dân Việt!
Ông Rimas cùng các ngư dân trên tàu QNg 98785 vào bờ chiều 4/2. Ảnh: Thanh Trần.

Chiều qua, 4/2, con tàu QNg 98785 cập cảng đồn biên phòng Mân Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) trong sự ngóng đợi của lực biên phòng và cả xe cứu thương. Tàu cách cầu cảng khá xa, các thuyền viên đã leo ra trước mũi reo lên vẫy tay cuồng nhiệt. Rimas bận chiếc áo đỏ nổi bần bật cũng hùa theo, không quên lấy máy quay lại khoảnh khắc vào bờ có lẽ xúc động nhất trong hành trình căng buồm nhiều năm của ông.

Ông Rimas lưu giữ khoảnh khắc với những ân nhân đã cứu mạng mình trên biển.

 Tìm được sự sống trên vùng biển Việt Nam

Thấy chiếc xe cứu thương đỗ đằng xa, cả thuyền cười phá lên: “Ổng giờ khỏe re, béo hơn tụi tui nữa, đi xe cứu thương mắc cỡ lắm”. Ông Rimas râu quai nón bạc phơ, nước da hồng hào, bước nào bước nấy giữa bụng thuyền chắc nụi, miệng nhanh nhảu cười nói, bắt tay các chiến sĩ biên phòng rồi vào trong khoang mang tất, xỏ giày lịch sự mới xuống tàu. Bác sĩ kiểm tra sức khỏe, không thấy ông có vấn đề gì, mấy ngư dân cạnh bên lại chen vào: “Hồi vớt ổng lên, ổng thều thào như sắp “đi” rồi. Chắc hạp cơm Việt Nam quá nên mau hồi phục vậy đó”.

Ngày 25/5/2017, ông bắt đầu hành trình chu du giữa biển bằng con thuyền buồm tên Memosis từ Hawaii đến Fiji, Tuvalu…Khi cách vùng biển Yokohama (Nhật Bản) khoảng 500km thì thuyền ông đâm vào một vật thể lớn làm thuyền hỏng, nước tràn vào trong. Ông đã gửi tín hiệu đi nhiều nơi đề nghị ứng cứu nhưng đều bặt vô âm tín. Trong ghi chép của mình, ông vẫn nhớ y nguyên đó là ngày 10/12/2017, suốt từ hôm ấy, chiếc thuyền buồm thả trôi qua không biết bao nhiêu vùng biển của các quốc gia, lương thực dữ trữ ngày một cạn, cánh buồm như xơ mướp. Một ông già ngấp nghé thất tuần chống chọi với sóng, nước, nắng, lạnh gần 40 ngày giữa trùng dương, tưởng chừng mọi hy vọng đã khép lại thì con thuyền dạt vào vùng biển Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa. Nơi ấy là nơi đem lại cho ông sự sống.

Anh Võ Văn Nhị (32 tuổi, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền viên tàu QNg 98785 nhớ như in: “Lúc đó chừng 10g ngày 18/1, anh em thấy chiếc thuyền buồm rách bươm nên linh tính có chuyện. Ổng thấy thuyền liền kêu cứu nhưng yếu ớt lắm. Tụi tui áp tàu vô, đưa ổng qua, ổng “như con mắm” rồi, người ốm nhách, thều thào. Cả thuyền lấy sữa, nước yến cho ổng uống cầm cự rồi để ổng nghỉ ngơi. Mãi sau mới biết ổng nhịn đói mấy ngày kiệt sức”.

Ông Rimas hướng đôi mắt về phía 12 thuyền viên với nước da ngăm đen, miệng cười để lộ hàm răng trắng sáng trên khuôn mặt chất phác, rồi thủ thỉ rằng ông bắt đầu căng buồm chu du biển cả hơn 6 năm nay. Thuyền ông chủ yếu đi trên vùng biển Thái Bình Dương, và đây là lần đầu tiên “lạc” đến vùng biển không nghĩ tới trên hành trình. Vừa nói, ông vừa chìa hai máy bộ đàm ra, khuôn mặt biểu đạt sự bất lực khi “bùa hộ mệnh” này đã không giúp gì được cho ông trong cơn hoạn nạn. “Tôi tưởng mình đã chẳng còn cơ hội sống, không ngờ lại được các thuyền viên Việt Nam cứu vớt. Tôi rất mang ơn các bạn”, ông nói.

Ông Rimas không thể kết nối tín hiệu từ những chiếc bộ đàm khi gặp nạn nên lênh đênh hàng chục ngày giữa biển.

Các thuyền viên trên tàu bảo nhau không thể kéo chiếc thuyền buồm vào bờ giúp ông nên thấy mình giúp chưa toàn vẹn, nhưng hành trình còn dài nên chẳng thể làm gì. Mọi người cũng thấy xót khi ông Rimas vứt lại rất nhiều đồ đạc trên thuyền buồm và để nó bơ vơ giữa biển khơi.

Thương như bạn tàu

Cuối giờ chiều, gió càng lúc thốc càng mạnh vào cầu cảng, 12 thuyền viên trên tàu co ro trong chiếc áo mỏng tang. Đã hết việc khai báo của mình, họ vẫn ngồi bên mạn tàu ngóng lên đồn chờ ông Rimas cho đến khi ông được đưa về nơi khác nghỉ ngơi. Thuyền viên Lê Xuân Đồng, 23 tuổi, giọng trầm trầm: “Có ổng trên tàu suốt những ngày đi biển quen rồi, coi ổng như bạn tàu vậy. Giờ ổng đi thấy thiếu thiếu”.

Chiếc thuyền đã cứu ông Rimas giữa biển khơi.     

Tàu cá QNg 98785 làm việc nghĩa cứu người khi mới rời cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được ba hôm. Trong khoang vẫn chưa có con cá nào. Các thuyền viên nhớ lại lúc ông Rimas hồi sức, nói được thông tin cá nhân, tàu đã điện vào bờ báo cáo sự việc, tuy nhiên vì sức khỏe ông không quá nghiêm trọng và phần vì tàu vừa ra khơi, quay về coi như trắng tay nên lực lượng chức năng đồng ý cho tàu chở ông Rimas cùng đi đánh bắt. Gần 20 ngày có thêm một “bạn tàu” mới, các thuyền viên cùng chia nhau bát cơm, chỗ ngủ, thậm chí cử người canh lúc “ông Tây” này đi vệ sinh vì sợ không quen dễ rớt xuống nước. “Mà ổng ăn cũng mạnh lắm. Mấy bữa đầu tụi tui chỉ cho uống nước yến và sữa, nghĩ người Tây họ thích ngọt ngọt vậy chứ không ăn được thức ăn mình. Ai ngờ bữa nào ổng cũng “quất” 3 tô cơm, ăn ngon lành. Giờ mập mạp vậy đó. Tụi tui không cho ổng đi lại nhiều trên tàu, vì thấy ổng yếu quá, mới thoát chết xong giờ có chuyện chi nữa thì khổ”, anh Nhị cười khà khà.

Anh Đồng ngồi bên lấy điện thoại ra, mở những tấm hình lúc ông vừa được cứu ốm nheo ốm nhách, đen nhẻm và rũ rượi cho chúng tôi xem để minh chứng cho lời anh Nhị. Thuyền viên 23 tuổi này kể thêm, ông Rimas rất mê chụp ảnh, suốt ngày chụp không biết chán, từ các thuyền viên đến cảnh đánh cá, sinh hoạt trên tàu ông đều ghi lại không sót cảnh nào. Những ngư dân này cũng cho rằng ông Rimas có duyên với tàu mình, bởi qua điện đàm về nhà, họ nghe một số tàu khác kể lại đã gặp chiếc thuyền này trên biển nhưng cứ tưởng thuyền du lịch chứ không nghĩ là thuyền gặp nạn.

Hình ảnh chiếc thuyền buồm tan hoang của ông Rimas được ngư dân chụp lại. Ảnh: NDCC.

Hỏi các anh dân biển lâu năm, đã bao giờ gặp trường hợp cứu người như lần này chưa, tất cả đều lắc đầu. Một ngư dân thành thật rằng lúc kéo ông Rimas vào, nhìn ông coi bộ “không qua nổi” ai cũng lo, sợ có chuyện gì thì cả tàu mang họa lây, nhất là với người nước ngoài nữa. “Nhưng vô lẽ mình thấy nạn trước mắt mà ngó lơ không cứu. Tình người ở mô cũng cần, huống chi giữa bốn bề sóng nước”, anh nói cứng.

Lục lọi trong đống tư trang, ông Rimas tiếc nuối vì mất cuốn sổ lưu lại hành trình trên các vùng biển của mình. Ông dự định sẽ xuất bản một cuốn sách về những chuyến phiêu lưu, và sẽ ghi thêm câu chuyện được cứu sống bởi những ngư dân Việt Nam nhân ái này vào trong đó. “Không sao, tôi sẽ cố gắng làm lại và không quên các bạn”, ông khẳng khái.

Đại diện biên phòng Đà Nẵng cho hay sẽ bố trí nơi ăn ở cho ông Rimas, tiến hành lấy thông tin và báo cáo cho Sở Ngoại vụ cùng lực lượng chức năng để giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật.

Suốt buổi cung cấp thông tin cá nhân cho lực lượng biên phòng, ông Rimas Meleshyus liên tục mở máy tính đưa những hình ảnh về vị trí, tọa độ, những nơi tàu từng đi qua. Ông cũng không quên “khoe” những tờ báo, tạp chí viết về đam mê phiêu lưu trên biển của mình. Ông còn dí dỏm rằng: “Tôi hơi bị nổi tiếng đấy”. Trên facebook cá nhân của ông, hình ảnh về những chuyến du ngoạn trên biển được hàng chục ngàn người theo dõi. “Tôi có rất nhiều thuyền đi biển. Mất chiếc thuyền này quả thật rất tiếc. Tôi sẽ cố gắng kiếm một chiếc mới để tiếp tục hành trình của mình”, ông nói.