Đó là tâm tình của những phi công khi tham gia Giải Dù lượn Đà Nẵng mở rộng hôm nay (29/7), với chủ đề Bay trên Tiên Sa.
Mùa giải năm nay thu hút 120 phi công đến từ 17 câu lạc bộ dù lượn trong cả nước. Đặc biệt có sự tham gia của đoàn dù lượn đến từ Lào, Thái Lan. Dù lượn không có động cơ thi đấu nội dung hạ cánh chính xác; dù lượn có động cơ sẽ biểu diễn. Điểm xuất phát từ núi Sơn Trà, đáp xuống bãi biển Thọ Quang với độ cao chênh lệch 600 m so với mực nước biển.
Anh Nguyễn Đức Hoàng (CLB Dù lượn - Hàng không Lam Hồng) chia sẻ, đây là lần đầu tiên tham gia giải dù lượn tại Đà Nẵng và rất ấn tượng với cảnh quan ở đây. Núi và biển gần nhau, bãi cát rộng thuận lợi cho việc hạ cánh.
Đặc biệt, điểm xuất phát dù nằm trên núi cao nhưng mọi người di chuyển rất nhanh chóng do có đường thông suốt, nối lên tận nơi. “Tôi kỳ vọng giải đấu sẽ được duy trì và mở rộng để thu hút phi công từ các nước khác tới tham dự. Đó không chỉ là cơ hội để giao lưu, tranh tài mà còn là cách để giới thiệu, quảng bá đất nước mình”, anh nói.
Anh Nguyễn Văn Tiến Toàn (Đà Nẵng) cho hay anh chơi dù lượn gần 8 năm, từng bay ở rất nhiều nơi trên đất nước như Đắk Lắk, Gia Lai, Yên Bái, Điện Biên… Mỗi nơi một cảnh sắc khác nhau. Có nơi bay đi bay lại nhiều lần nhưng lần nào cũng đem lại cảm xúc mới.
“Khi ngắm nhìn đất nước từ trên cao, thấy đất nước mình thật đẹp với núi, rừng, sông, biển hiền hoà. Cảm giác thật tự hào và hạnh phúc khi bản thân mình được sống trong một đất nước xinh đẹp. Lần nào bay tôi cũng rưng rưng vì yêu quê hương mình quá”, anh trải lòng.
Anh kể thêm, rất nhiều bạn bè anh ở Hà Nội, TPHCM, thậm chí nước ngoài thường tới Đà Nẵng để được bay trên biển bạc rừng xanh, ngắm nhìn bao quát thành phố.
Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và bãi biển du lịch Đà Nẵng, bay dù lượn khám phá nét đẹp tự nhiên của hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà, các bãi biển là một trải nghiệm mới cho du khách khi tới thành phố. Đây là loại hình thể thao mạo hiểm, thích hợp với những người thích khám phá, đam mê độ cao.