100 năm địa danh Kon Tum qua thăng trầm lịch sử

TP - Năm 1848, những người miền xuôi đầu tiên vượt qua ngõ An Sơn-Bình Định tìm đường lên Cao Nguyên.

Ngày 04-7-1902: Kon Tum được đặt dưới quyền cai quản của Công sứ Bình Định. Ngày 04-7-1905, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Plâyku Đe.

Địa bàn tỉnh Plâyku Đe gồm các vùng cư trú của đồng bào dân tộc Xê Đăng, BaNa, Gia Rai tách ra từ tỉnh Bình Định.

Ngày 12-6-1907 Pháp bãi bỏ tỉnh Plâyku Đe. Toàn bộ đất đai của tỉnh này chia làm hai phần: Đại lý Kon Tum (Kon Tum), cho sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định; Đại lý Cheo Reo, cho sáp nhập vào tỉnh Phú Yên.

Ngày 09-02-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định khôi phục lại vùng lãnh thổ tỉnh Pleikou Derr thành một tỉnh tự trị riêng gọi là tỉnh Kon Tum.

Tỉnh lỵ đặt tại Kon Tum. Địa bàn tỉnh Kon Tum bao gồm: Trung tâm hành chính Kon Tum (Đại lý Kon Tum) tách từ tỉnh Bình Định; Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú yên; Đại lý Đăk Lăk ( Đăk Lăk bị bãi bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh, sáp nhập vào tỉnh Kon Tum).

Theo Nghị định ngày 09-02-1913, tỉnh Kon Tum được thành lập bao gồm một vùng đất đai rộng lớn; lần đầu tiên Kon Tum trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh với tên gọi là tỉnh Kon Tum, có chính quyền tự trị riêng, đứng đầu là viên Công sứ Kon Tum.

Ngày 25-8-1945, nhân dân các dân tộc Kon Tum đã hoàn thành việc khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng.

Từ đó đến trước khi thực dân Pháp xâm lược Kon Tum lần thứ 2 (ngày 26-6-1946), chính quyền cách mạng được xây dựng và củng cố trên toàn tỉnh.

Toàn tỉnh được đặt 4 đơn vị hành chính cấp huyện, thị trực thuộc là: huyện Đăk tô, Đăk Glei, Kon Plông và thị xã Kon Tum.

Từ năm 1945 đến năm 1975 tỉnh Kon Tum cũng trải qua nhiều lần chia tách, sát nhập, đổi tên gọi từ Chính quyền cả 2 phía.

Sau ngày thống nhất đất nước, ngày 29-9-1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu hợp tỉnh.

Ngày 29-10-1975, Ủy ban Nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Pleiku.

Ngày 12-8-1991: Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 9 ra Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó, tỉnh Gia Lai-Kon Tum chia thành 2 tỉnh lấy tên là Kon Tum và Gia Lai.

Khi chia tách, tỉnh Kon Tum có 5 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên 13.000km2, với số dân 230.000 người. Tỉnh lỵ đóng tại thị xã Kon Tum.

Qua quá trình chia tách, tính đến nay, tỉnh Kon Tum có 09 huyện, thành, gồm: Thành phố Kon Tum, các huyện: Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Glei. Toàn tỉnh có 97 xã, phường, thị trấn, tỉnh lỵ đóng tại thành phố Kon Tum. Diện tích tự nhiên chiếm 17,2% diện tích vùng Tây Nguyên. Dân số 455.230 người (năm 2011).

Theo Báo giấy