10 người chết, mất tích do mưa lũ

TP - Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, thông tin sơ bộ từ các địa phương, đến chiều 18/8, mưa lũ đã làm 8 người chết, 2 người mất tích.
Mưa bão gây ngập ở Thanh Hóa.

Theo đó, mưa lũ cuốn trôi 2 người ở Sơn La, 5 người ở Nghệ An và 1 người ở Thanh Hóa do sạt lở đá. Hiện vẫn còn 2 người ở Sơn La và Nghệ An mất tích do lũ cuốn trôi. Đến chiều qua, mưa lũ cũng làm sập trên 20 nhà, trên 1.300 căn nhà bị ngập, hơn 200 nhà phải di dời khẩn cấp; gần 7.400 con gia súc bị chết, trên 720 ha nuôi trồng thủy sản (chủ yếu của Nghệ An và Thanh Hóa) bị thiệt hại, trong đó nặng nhất là Nghệ An.

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến chiều 18/8, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã hỗ trợ Nghệ An và Thanh Hóa di dời gần 4.100 hộ dân với gần 15.900 người đến khu vực an toàn. 

Thông tin nhanh từ các địa phương cũng cho thấy, hiện nhiều tuyến giao thông bị sạt, ngập gây ách tắc. Theo đó, các tuyến QL6, QL43 địa phận tỉnh Sơn La, QL37 địa phận tỉnh Yên Bái bị sạt lở ta luy dương hiện đã được thông tuyến tạm thời. Tuyến QL15, 15C, 16, 217, 217B thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa bị ngập 11 vị trí gây ách tắc giao thông. Các tuyến QL7, 15, 16, 48D, 48E thuộc địa phận tỉnh Nghệ An bị ngập 19 vị trí, sạt lở ta luy dương 3 vị trí gây ách tắc giao thông.

Hiện nay còn một số tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An còn bị chia cắt do sạt lở và ngập cục bộ. Chính quyền địa phương đang huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã yêu cầu các địa phương tập trung huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do mưa, lũ sau bão gây ra, nhất là Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong đó, kiếm người mất tích tại Nghệ An, Sơn La, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa, sinh hoạt cho những hộ dân phải sơ tán và bị cô lập trong đó có một số bản.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lũ trên sông Thương, hạ lưu sông Bưởi, sông Chu, sông Mã và sông Cả tiếp tục lên; sông Thao tại Yên Bái, sông Kỳ Cùng tiếp tục xuống. Đến tối 18/8, lũ sông Thương tại Phủ Lạng Thương có khả năng đạt đỉnh ở mức 4,80m, trên BĐ1 0,5m. Đến sáng 19/8, lũ hạ lưu sông Mã, sông Cả tiếp tục lên. Trên sông Mã tại Giàng đạt đỉnh ở mức 6,1m, dưới BĐ3 0,4m, sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,0m, trên BĐ2 0,1m.

Lũ sông Thao, sông Thương, thượng, trung lưu sông Cả và sông Chu tiếp tục xuống. Trên sông Thao tại Yên Bái xuống mức 29 m, dưới BĐ1 1m, sông Thương tại Phủ Lạng Thương xuống mức 4,6m, trên BĐ1 0,3m. Trên sông Chu tại Xuân Khánh xuống mức 8,2m, dưới BĐ1 0,8m, sông Cả tại Dừa xuống mức 22,1m, dưới BĐ2 0,4m.

Các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét trong đó đặc biệt lưu ý ở các huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước (Thanh Hóa), Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An). Khu vực vùng trũng nguy cơ cao ngập úng ở huyện Thạch Thành, Yên Định (Thanh Hóa), Hưng Nguyên (Nghệ An). Từ ngày 19/8 mưa lớn ở vùng núi Bắc bộ có xu hướng giảm dần.