Việc đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày để các y bác sỹ có đủ sức khỏe làm việc và sức đề kháng phòng bệnh là điều được các đầu bếp đặc biệt cần quan tâm.
Bếp trưởng Phạm Tuấn Hải, giám khảo chương trình Master Chef Việt Nam tham gia vào chương trình với tư cách là đầu bếp nấu trực tiếp, cũng như tài trợ các loại gia vị cho các suất ăn.
Những đầu bếp có tay nghề và tấm lòng của Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội (HPC) đã cùng góp sức chế biến những suất ăn ngon và dinh dưỡng để tiếp sức cho các y bác sỹ chống dịch COVID-19 ở khu vực tâm điểm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh.
Những con người thực hiện chương trình đầy ý nghĩa "Suất ăn yêu thương” - từ bếp nấu đến tuyến đầu chống dịch.
Toàn bộ kinh phí, nguyên vật liệu được kêu gọi tài trợ từ các tổ chức, cá nhân. BTC dự tính cần 500 triệu cho 10.000 suất ăn, tương đương 50.000đ/suất. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra hàng ngày và kết thúc vào ngày 20/06.
Những suất ăn tươi ngon, đảm bảo dinh dưỡng sẽ phần nào làm ấm lòng những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Tham gia chế biến các Suất ăn yêu thương là thành viên của Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội đến từ Trung tâm dạy nấu ăn Sao Mai; khách sạn Metropole, Sheraton; siêu thị Megamaket; trung tâm tổ chức sự kiện tiệc cưới Trống Đồng... Thực đơn bao gồm đồ ăn chính (gà nướng, bò bít tết, chả cá,…) và các món ăn phụ (salad, nộm, bánh tráng miệng, nước uống…) được thay đổi hàng ngày, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và khẩu vị cho các y bác sỹ.
Trong những ngày qua chương trình đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các anh chị em đầu bếp đến từ các khách sạn, nhà hàng tại Hà Nội.
Trên mỗi suất ăn, những lời chúc yêu thương và lời cảm ơn từ hậu phương được các đầu bếp đính kèm với mong muốn nhanh chiến thắng được dịch bệnh. Suất ăn do các đầu bếp giỏi tay nghề của Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội và các hội viên chế biến, được tư vấn xây dựng thực đơn bởi Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Dinh dưỡng của mỗi suất ăn cùng với cơm canh của Bệnh viện chuẩn bị trung bình là 800-900 kcalo.
Những chuyến hàng yêu thương được vận chuyển đến tuyến đầu chống dịch ở Bấc Ninh.
Theo những người thực hiện, nếu chuyển đồ ăn nóng lên Bắc Giang thì thời tiết cùng với nắng nóng làm cho đồ ăn không còn thơm ngon, nên họ đặt ra quy trình là ngay trước khi nấu xong đồ ăn sẽ làm lạnh ngay tức thì và đóng gói theo quy chuẩn, sau đó đưa lên xe đông lạnh chuyển đến vùng dịch. Ở trên đó, các đầu bếp cấp cho các y bác sĩ những tủ đông và lò vi sóng, khi những y bác sĩ chuẩn bị ăn thì họ lấy ra khỏi tủ đông và cho vào lò vi sóng để hâm nóng đồ ăn.
Suất ăn của các y bác sỹ được tính toán để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cán bộ y tế làm việc với cường độ cao, nhiệt độ khắc nghiệt cần có sức khỏe, sức bền và khả năng miễn dịch phòng nhiễm bệnh.
Hoàng Mạnh Thắng