10 năm 'giậm chân' tại Khu tập thể Cục Vận tải

TP - Dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác-Nguyễn Khoái là tuyến đường quan trọng của Hà Nội, nhưng kéo dài gần 10 năm chưa xong. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc các hộ dân tại Khu tập thể Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) chưa bàn giao mặt bằng, vì việc bồi thường còn nhiều bất cập.
Ông Ứng Văn Thắng tại khu tập thể Cục Vận tải. Ảnh: K.N

Vướng mắc do đâu?

Khu tập thể Cục Vận tải thuộc tổ 63 Lương Yên (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) là nơi cư trú của hơn 30 hộ dân, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, sĩ quan quân đội nghỉ hưu, gia đình thương binh, liệt sĩ.

Trong đơn kêu cứu gửi Tiền Phong, đại diện các hộ dân trình bày: Năm 2006, khi dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác-Nguyễn Khoái được tiến hành, Khu tập thể Cục Vận tải thuộc diện giải phóng mặt bằng (GPMB). Các hộ dân ủng hộ việc xây dựng dự án, nhưng sau đó thấy bị áp đặt trong bồi thường GPMB nên chưa chấp thuận nhận đền bù.

Cựu chiến binh Ứng Văn Thắng cho biết: Năm 1992, Cục Vận tải có văn bản (số 612) giao toàn bộ cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ gồm hàng rào, đường sá, hệ thống cấp nước, thoát nước, đường điện, khu nhà vệ sinh cho Khu tập thể quản lý, sử dụng. 

Khi đó, Khu tập thể giáp mặt phố Lương Yên, nhưng năm 2011, chính quyền lại gắn biển xác định khu tập thể thuộc ngõ 93 phố Lương Yên, qua đó không đền bù các cơ sở hạ tầng và công trình phụ trợ nói trên cho các hộ dân.

Trước sự việc này, ngày  9/5/2014, Cục Vận tải có văn bản (số 553) khẳng định: Toàn bộ cơ sở hạ tầng và công trình phụ trợ như hàng rào, đường đi chung, hệ thống cấp nước, thoát nước... thuộc nguồn gốc đất quốc phòng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng và thuộc quyền quản lý, sử dụng của các hộ dân trong Khu tập thể, nên đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân. 

“Nếu căn cứ điều 46, 111 của Nghị định 81/2004/CP và điều 15 Nghị định 197/2004/CP, các cơ sở hạ tầng và công trình phụ trợ trên cũng thuộc diện được đền bù. Tuy nhiên, những chứng lý này không được các cơ quan có trách nhiệm chấp thuận”- ông Thắng nói.

Tại Khu tập thể Cục Vận tải, cùng một thửa đất nhưng lại được đền bù theo các mức giá khác nhau. Thửa đất của ông Cao Duy Thuần (là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) có diện tích 51,03 m2 lại được đền bù với hai mức giá: 35 m2 bồi thường 31,8 triệu đồng/m2 (vị trí 2), 16m2 bồi thường 29,3 triệu đồng/m2 (vị trí 3). Còn nhà ông Đào Văn Mão có 65,18 m2 được bồi thường theo vị trí 2, còn 4,67 m2 bồi thường theo vị trí 3... “Việc bồi thường hiện nay vừa phức tạp, vừa không sát với giá thị trường theo quy định của Luật Đất đai”, ông Thuần nói.

Xin chỉ đạo của Thành phố

Bất cập trên kéo dài nhiều năm, nhưng cấp có trách nhiệm chưa trả lời thỏa đáng kiến nghị của các hộ dân. Ngày 15/7/2015, UBND quận Hai Bà Trưng mới ban hành văn bản (số 658), nhưng lại tập trung trích dẫn một văn bản của Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố làm căn cứ giải quyết: 

“Tại buổi họp kiểm điểm tiến độ công tác GPMB Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái) ngày 10/6/2015, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng-Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã kết luận: Các công trình tài sản sử dụng chung như hàng rào khu tập thể, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện, hệ thống thoát nước, ngõ đi chung… không bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân”. Các hộ dân không chấp thuận, vì không rõ kết luận trên của lãnh đạo thành phố căn cứ theo điều khoản, quy định nào mà không thấy văn bản 658 đề cập.

Đỉnh điểm sự việc diễn ra khi ngày 25/8/2015, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành một loạt quyết định cưỡng chế gửi các hộ dân Khu tập thể Cục Vận tải, trong đó xác định thời gian thực hiện cưỡng chế bắt đầu từ ngày 7/9/2015. 

Ngày 7/9, khi thời điểm cưỡng chế đến, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, tới Khu tập thể Cục Vận tải. Tại đây, sau khi lắng nghe trình bày của các hộ dân, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng lệnh tạm dừng buổi cưỡng chế để tiếp tục xử lý vướng mắc.

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, ngày 15/9, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành văn bản (số 834) đề nghị Cục Vận tải xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất tại Khu tập thể Cục Vận tải để phục vụ công tác GPMB.

Ngày 22/9, Cục Vận tải có văn bản (số 1197) hồi đáp, trong đó xác định Khu tập thể này được hình thành từ năm 1979 trên khu đất được Bộ Quốc phòng giao, năm 1991 xây dựng thành khu gia đình, năm 1992 thực hiện xong việc hóa giá nhà và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với địa phương theo quy định.

Về việc bồi thường diện tích đất chung và các công trình phụ trợ, Cục Vận tải đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Bạch Đằng căn cứ quy định hiện hành và hồ sơ pháp lý của Khu tập thể để thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân. 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Ninh Anh Hải, Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Hai Bà Trưng, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất thành phố để bồi thường theo một mức đơn giá tại Khu tập thể Cục Vận tải. Còn vấn đề về diện tích đất chung và các công trình phụ trợ tại Khu tập thể, chúng tôi sẽ báo cáo UBND Thành phố Hà Nội để xin chỉ đạo giải quyết”.