10 lý do khiến sữa mất ngôi 'siêu thực phẩm'

Sữa vẫn thường được coi là đồ uống tốt cho sức khỏe. Chứa đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu cùng với các vitamin và muối khoáng như phospho và canxi, một cốc sữa trắng được cho là sẽ làm xương vững chắc. Nghiên cứu mới đây cho thấy uống 3 cốc sữa mỗi ngày có thể không tốt cho sức khỏe. 
Sữa có lẽ chỉ phù hợp với trẻ nhỏ và người già?

Mặc dù TS Louis Levy, cơ quan Y tế công cộng Anh không khuyên mọi người ngừng sử dụng các sản phẩm sữa, song vẫn có kha khá lý do gợi ý rằng sữa không phải là loại “siêu thực phẩm” như ta vẫn tưởng:

1. Uống sữa không hề ngăn ngừa gãy xương

Nghiên cứu theo dõi 61.000 phụ nữ và 45.000 nam giới trong 20 năm đã cho thấy số ca gãy xương không giảm ở những người uống nhiều sữa nhất.

2. Sữa có thể góp phần gây bệnh tim

Một số nhà nghiên cứu tin rằng hàm lượng chất béo cao trong sữa góp phần làm tăng nguy cơ đau tim. Tuy nhiên, các sản phẩm sữa ít béo như pho mát và sữa chua được thấy là có lợi.

3. Uống sữa khi đã trưởng thành vừa phi tự nhiên vừa không cần thiết

GS Jonathan Brostoff, chuyên gia hàng đầu về dự ứng và không dung nạp thực phẩm ở trường King, London đã nói rằng con người không được lập trình để uống sữa khi đã hết tuổi thiếu nhi: "Chỉ ở Tây Âu chúng ta mới có thể dung nạp được sữa khi đã trưởng thành, do đột biến gen”.

Ông còn cho rằng chúng ta không cần sữa trong chế độ ăn và sẽ không bị thiếu những vitamin và dưỡng chất quan trọng khi không có sữa:

“Động vật không uống sữa sau khi đã cai sữa mẹ, và chúng vẫn xoay xở được. Bạn có thể tìm thấy canxi và các vitamin trong sữa ở nhiều thực phẩm khác hoặc bằng cách bổ sung canxi.”

4. Sữa khiến bạn bị đầy bụng

“Sau khi cai sữa mẹ, khả năng xử lý đường trong sữa của chúng ta bị giảm đi”, GS Brostoff nói tiếp. “Và nếu bạn không thể tiêu hóa được đường trong sữa, thì đường sẽ có xu hướng lên men trong ruột. Đó là lý do tại sao bạn bị đầy bụng và “đánh hơi” nhiều khi ăn nhiều sô cô la”.

Có lẽ điều này sẽ khiến bọn trẻ con rất khoái chí...

5. Sữa gây tăng tiết đờm

Theo GS Brostoff, nhiều bệnh nhân nhận thấy lượng đờm giảm đi khi họ loại bỏ sữa ra khỏi bữa ăn: “Tôi đã có những bệnh nhân, trong khi cố thử những biện pháp khác thì tôi cũng khuyên họ bỏ sữa, và họ nói rằng “Mũi tôi thông thoáng hơn và bụng dạ dễ chịu hơn nhiều”.”

6. Sữa có thể gây mụn trứng cá

Nghiên cứu năm 2007 tiến hành bởi Trường y tế công cộng Harvard đã cho thấy mối liên quan rõ ràng giữa uống sữa thường xuyên và bị mụn trứng cá. Nghiên cứu chứng minh rằng việc ăn những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và uống sữa không chỉ làm nặng thêm những nốt mụn đã có, mà còn là yếu tố khởi phát mụn.

Có lẽ cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người bị đặt biệt danh là “Kẻ cướp sữa”, đã tình cờ làm lợi cho trẻ em khi bà rút bỏ sữa ra khỏi các trường tiểu học năm 1971.

7. Sữa gầy làm rối loạn sản xuất hoóc môn

Nghiên cứu về mối liên quan giữa sữa và mụn trứng cá cũng cho thấy những người uống sữa gầy tăng 44% khả năng bị các đốm trên da. Người ta cho rằng việc chế biến sữa làm tăng nồng độ của các hoóc môn trong đồ uống này – do đó ảnh hưởng đến những người đang bị mụn trứng cá.

8. Sữa có thể gây ho

Khi uống sữa, một số người có cảm giác họng bị phủ bởi chất nhày đặc, khiến họ ho và chảy nước mũi. Nhiệt độ của sữa (lạnh do để trong tủ lanh) cũng có thể gây ho.

Ngoài ra, trẻ bị dị ứng sữa cũng phát triển những triệu chứng tương tự như hen.

9. Sữa có thể gây nghẹt tai

Mối liên quan giữa sữa bò và nhiễm trùng tai ở những trẻ mẫn cảm đã được ghi nhận trong 50 năm qua. Ở một số ít trường hợp, tác nhân gây bệnh trong sữa có thể gây nhiễm trùng tai. Thậm chí có một bệnh phổi gọi là Hội chứng Heiner - tình trạng quá mẫn với protein sữa bò có liên quan với sử dụng sữa và thường biểu hiện ở trẻ nhỏ như một nhiễm trùng tai.

10. Dị ứng sữa có thể gây chết người

Mặc dù chỉ có khoảng 1% số người lớn bị dị ứng sữa, song những người này có thể bị chết nếu uống sữa. Những người không may bị dị ứng sữa dễ bị nôn, thở khò khè, đau bụng hoặc sốc phản vệ chết người.

Theo Cẩm Tú

Theo Dân Trí