Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo Sở GTVT chủ trì phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan có giải pháp kịp thời, tập trung xử lý các điểm đen ùn tắc và tai nạn giao thông từ nay đến cuối năm.
Với danh sách các điểm thường xuyên ùn tắc, điểm đen xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, ông Hùng yêu cầu tập trung xử lý từ 8 đến 10 điểm. Cùng với đó, bố trí phân luồng, chống ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, các tuyến ra vào nội đô, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các sự kiện chính trị quan trọng và các khung giờ cao điểm hằng ngày.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông theo Nghị định 100 của Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông…
Theo thống kê của liên ngành GTVT – Công an Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện còn 33 điểm ùn tắc và 12 điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Trong số này năm 2019, liên ngành đã khắc phục được 10 điểm đen ùn tắc, tuy nhiên cũng trong năm 2019, trên địa bàn thành phố lại phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới.
Trong danh sách các điểm ùn tắc có một số quận có số điểm ùn tắc nhiều như: Hoàng Mai có 5 điểm, gồm: Dốc Vĩnh Vưng, Vành đai 3-Pháp Vân-Giải Phóng, Nguyễn Xiển – Nguyễn Hữu Thọ, Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ; Đống Đa có 4 điểm, gồm: Lê Văn Lương – Láng Hạ, Láng - Nguyễn Chí Thanh, Tôn Thất Tùng, Trường Chinh; Ba Đình có 3 điểm, gồm: La Thành - Giảng Võ, La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Điện Biên Phủ - Trần Phú; Hai Bà Trưng có 3 điểm, gồm: Minh Khai - Cổng Time City, Đại Cồ Việt – Hoa Lư, Nguyễn Khoái - Minh Khai; Cầu Giấy có 3 điểm, gồm: Nguyễn Khang – cầu 361, Phạm Văn Đồng - Trần Quốc Hoàn, Cồng ĐH Quốc Gia; Hoàn Kiếm có 1 điểm: Nam cầu Chương Dương…
10 điểm đen xảy ra tai nạn giao thông nằm tại các quận huyện, gồm Thường tín: 6 điểm; Sóc Sơn 3 điểm; Sơn Tây 2 điểm; Phúc Thọ 1 điểm; Đống Đa 1 điểm…