Bộ luật Dân sự sửa đổi 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) quy định trần lãi suất thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, đi kèm với điều khoản đó, Bộ Luật Dân sự 2015 cũng đã để ngỏ một “lối đi” riêng cho các tổ chức tín dụng (TCTD), đó là được phép thỏa thuận theo cơ chế thị trường cũng như dần tiến tới đích tự do hóa lãi suất.
Áp trần lãi suất - không phải giải pháp tối ưu
Sau rất nhiều phiên thảo luận cũng như tham khảo các luồng ý kiến khác nhau về việc nên bỏ hay bỏ có lựa chọn trần lãi suất cho vay quy định trong Bộ luật Dân sự sửa đổi, tại phiên làm việc của Quốc hội khóa XIII (năm 2015), Quốc hội đã bấm nút thông qua quy định quan trọng này. Theo đó, tư duy tích cực theo hướng tiến tới thực hiện tự do hóa lãi suất đã được thể hiện rõ tại Điều 468 với nội dung: “… trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Điều khoản vừa bao hàm được rõ mục đích mà chúng ta muốn hướng đến, đó là chống cho vay nặng lãi trong các hoạt động vay mượn dân sự. Ví dụ như, trong giao dịch vay nóng hoặc cầm đồ, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Mặt khác, vừa đảm bảo các TCTD vẫn được phép thực hiện cơ chế thỏa thuận lãi suất theo quy định tại luật chuyên ngành (Luật Các TCTD) với điều khoản cụ thể là: “Trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Trên thực tế, áp trần lãi suất cho vay không phải là một biện pháp khả thi đối với thị trường nói chung và mô hình tài chính tiêu dùng nói riêng. Dưới góc nhìn chính sách, rất khó để có thể áp dụng một mức trần lãi suất hợp lý. Nếu áp trần quá thấp, người tiêu dùng sẽ bị loại ra khỏi hệ thống cấp tín dụng và không thể đáp ứng được các nhu cầu mua sắm cần thiết. Trong trường hợp đó, người tiêu dùng buộc phải chuyển sang thị trường tín dụng đen dù lãi suất cao, và điều này sẽ càng làm tình hình trở nên khó kiểm soát. Kinh nghiệm từ ở một số thị trường quốc tế cho thấy, sự thiếu hiệu quả của công cụ trần lãi suất. Kết quả nghiên cứu của World Bank trên 76 nước đã minh chứng, không chỉ riêng các nước phát triển mà ngay các nước đang phát triển cũng đang hướng tới tự do hóa các chính sách tài chính và gỡ bỏ việc sử dụng trần lãi suất.
Nghiên cứu của Công ty cổ phần Stox Plus – Hãng chuyên tư vấn về tài chính ghi nhận rằng, giới chuyên gia kinh tế ở các nước như Nhật Bản, Brazil và Đông Âu đều bày tỏ sự lo ngại về việc áp trần lãi suất cho vay. “Áp trần lãi suất là một biện pháp không hiệu quả. Hơn nữa, trong thực tế, gần như không thể có một trần lãi suất hợp lý, xét về khía cạnh khách quan, nó tùy thuộc vào tình hình tài chính của mỗi cá nhân”.
Đẩy nhanh tiến trình tự do hóa lãi suất
Trong nội dung của Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi lần này, một khía cạnh được giới chuyên gia đưa ra bàn thảo và bình bàn, khiến các phương tiện truyền thông tốn khá nhiều giấy mực, đó là cần phải có quy định mở để tiến tới tự do hóa lãi suất, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện hỗ trợ các TCTD tùy cơ ứng biến điều chỉnh lãi suất giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua công cụ điều hành linh hoạt lãi suất cho vay.
Nhận định về vấn đề này, TS. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, với tiến trình hội nhập như hiện nay, trước sau gì Việt Nam cũng phải tiến tới tự do hóa lãi suất. Ông Phong phân tích: hiện chúng ta đã đi được một nửa chặng đường của quá trình tự do hóa lãi suất. Trên thực tế với việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đang khống chế lãi suất huy động ngắn hạn, còn với lãi suất huy động dài hạn và lãi suất cho vay đã thả nổi, có chăng chỉ khống chế ở một số lĩnh vực có tính chất ngắn hạn và ưu tiên. Như vậy, về cơ bản việc điều hành thị trường tài chính tiền tệ của nước ta đã đi theo hướng tự do hóa lãi suất. Còn trong triển vọng, thì rõ ràng tự do hóa lãi suất là xu thế tất yếu, khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Với một nền kinh tế ngày càng mang nhiều yếu tố thị trường, vấn đề lãi suất lại càng cần được tự do định đoạt dựa trên những quan hệ cung cầu về vốn. Một chính sách lãi suất hiệu quả và cởi mở theo hướng tự do hóa sẽ đảm bảo cho lãi suất phát huy được những mặt tích cực, tránh được sự lãng phí các nguồn lực. Do vậy, cần tạo lập một môi trường tài chính lành mạnh, minh bạch, công bằng, trong đó, các TCTD phải tuân thủ theo luật chuyên ngành và ở sân chơi thị trường ấy, Nhà nước đóng vai trò là trọng tài giám sát “cuộc chơi”, loại bỏ những đối tượng phạm luật, thiếu “fair play” khi cần thiết.
“Lộ trình này cần được thúc đẩy để sớm đạt được tự do hóa lãi suất, bởi sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng gia tăng và thị trường vốn không thể nằm ngoài cuộc chơi”, ông Phong nhấn mạnh. Khi đó, thị trường sẽ tự điều chỉnh để tìm đến một mức lãi suất hợp lý phản ánh đúng quan hệ cung cầu.