Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở ký công văn số 19 gửi Sở VHTT tỉnh Khánh Hoà về việc “chấn chỉnh biển hiệu của tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thành phố Nha Trang”.
Công văn này xuất phát từ chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL về việc kiểm tra nội dung biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng tiếng nước ngoài không có chữ tiếng Việt tại thành phố Nha Trang, Khánh Hoà gây bức xúc dư luận”.
“Cục Văn hoá cở sở đề nghị Sở VHTT tỉnh Khánh Hoà tuyên truyền, phổ biến dưới mọi hình thức nội dung quy định về biển hiệu tại điều 34 Luật Quảng cáo. Đặc biệt là quy định về việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu theo quy định tại Điều 18 Luật Quảng cáo”, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở yêu cầu.
Cục cũng yêu cầu Sở tăng cường phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương chấn chỉnh hoạt động biển hiệu trên địa bàn thành phố Nha Trang; chỉ đạo Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra, xử lý các biển hiệu vi phạm quy định của Luật Quảng cáo theo thẩm quyền.
Cục đề nghị Sở gửi báo cáo về Cục trước 10/4 để báo cáo lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, ngày 13/4 trả lời Tiền Phong, đại diện Cục Văn hoá cơ sở cho biết Sở VHTT Khánh Hoà chưa gửi báo cáo, bởi ngày 11/4 Thanh tra Sở vẫn đang rà soát, xử lý.
Vấn đề biển hiệu tiếng nước ngoài tồn tại từ lâu, tại sao đến nay Cục mới có văn bản yêu cầu chấn chỉnh? Đại diện Cục Văn hoá cơ sở nói rằng, hàng năm Bộ đều có yêu cầu các địa phương rà soát, vừa rồi do phát sinh khách Trung Quốc và khách Nga đổ về Nha Trang quá nhiều nên “biển hiệu tiếng nước ngoài lại rộ lên”.
Việc chấn chỉnh biển hiệu tiếng nước ngoài dựa trên Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ VHTTDL cũng có công văn số 935 ngày 9/3/2018 yêu cầu các địa phương rà soát biển hiệu trên toàn quốc, báo cáo về Cục trước 30/6.
Điều 34, Luật Quảng cáo về Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh: Biển hiệu phải có các nội dung sau:
a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Địa chỉ, điện thoại.
Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật này.
Điều 18. Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo
1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.