Y tế vùng cao: Ngạc nhiên tuyến cuối

TP - Đến trạm y tế xã Yên Cường, huyện miền núi Bắc Mê xa xôi hẻo lánh của Hà Giang, chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước những dãy nhà hai tầng với hàng chục phòng làm việc được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.
Khám chữa bệnh cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang - Ảnh: T.H

Có mặt tại xã Yên Cường, huyện miền núi Bắc Mê vào đúng ngày giá rét như cắt da cắt thịt, nhưng chúng tôi ấm lòng trước cơ ngơi tương đối khang trang của trạm y tế xã được xây dựng từ nguồn vốn của chương trình 135.

Trái với hình dung ban đầu về những căn phòng làm việc lụp xụp, trạm y tế xã Yên Cường là những dãy nhà hai tầng với hàng chục phòng làm việc được trang bị đầy đủ thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.

Bác sĩ Nông Quốc Nhân - Trạm trưởng Trạm y tế xã Yên Cường cho biết, từ năm 2006, trạm được tăng cường bác sĩ nên việc khám chữa bệnh cho bà con được cải thiện rất nhiều. Là xã nghèo vùng xa, các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, bệnh ngoài da là phổ biến.

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên với bác sĩ Nhân bị ngắt quãng giữa chừng khi hai người phụ nữ ngoài 30 tuổi bước vào phòng khám. Hai chị là Bàn Thị Sằm và Bàn Thị Pô, đi bộ từ bản Bàn Trà (cách trạm bốn km) tới nhờ bác sĩ Nhân khám bệnh.

Chị Pô cho biết, sự tận tâm nhiệt tình của bác sĩ và cán bộ y tế xã được bà con dân bản truyền tai nhau nên có những bệnh nhân ở những bản xa lắc trong núi như Chí Thì, Nà Lỳ, Nà Nghè, Tả Lủng cũng tìm đến mỗi khi ốm đau.

Bác sĩ Nhân chia sẻ: "Mừng nhất là bà con đã không còn tin vào việc nhờ thấy cúng chữa bệnh mà luôn tìm tới trạm y tế để khám và điều trị mỗi khi mắc bệnh".

Để lấy niềm tin nơi người dân, bác sĩ và nhân viên của trạm y tế không quản ngại đường sá xa xôi, có những xóm chỉ đi bộ mới vào được, để tới tận nhà khám bệnh và phát thuốc cho dân.

Nhưng khó khăn nhất đối với những thầy thuốc của trạm hiện nay là việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì phong tục, tập quán đồng bào, vẫn còn 30- 40% số bà mẹ vẫn sinh con tại nhà, dù trạm y tế đã có bác sĩ, có nữ hộ sinh chuyên làm nhiệm vụ đỡ đẻ.

Kỹ thuật mới

Hà Giang là một trong bốn tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai đề án tăng cường bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới do Bộ Y tế phát động (đề án 1816).

Bác sĩ Trần Đức Quý - Giám đốc Sở Y tế Hà Giang đánh giá đây là một trong những bước đột phá của ngành y tế giúp cho các tuyến nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ bệnh viện tuyến dưới.

Hơn một năm qua, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang đã đón 42 lượt bác sĩ của các bệnh viện tuyến trung ương như Việt Đức, Bạch Mai, Mắt, Phụ sản, Tai Mũi Họng lên tăng cường.

Ngành y tế Hà Giang đưa 28 cán bộ y tế đang công tác tại các đơn vị tuyến tỉnh về luân phiên hỗ trợ bệnh viện các huyện: Bắc Mê, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Quang Bình.

Tại Bệnh viện huyện Xín Mần, nhiều thiết bị khám chữa bệnh phải "đắp chiếu" vì cán bộ không thể vận hành. Sự có mặt và "cầm tay chỉ việc" của cán bộ tuyến trên đối với y bác sĩ tuyến huyện đã khiến các thiết bị như monitor theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy điện tim, bơm tiêm điện... hoạt động đúng chức năng.

Ở Bệnh viện huyện Bắc Mê chỉ có tám bác sĩ và 50 giường bệnh, phục vụ điều trị cho 4,6 vạn dân. Bác sĩ Hoàng Văn Trực, Giám đốc Bệnh viện Bắc Mê cho biết từ ngày có các đợt bác sĩ từ bệnh viện tỉnh về tăng cường, số lượng bệnh nhân tới điều trị tăng và số ca phải chuyển viện giảm tới hơn 20%.