Ý kiến trái chiều giấy khen học sinh

TP - Nhiều chuyên gia và nhà quản lý giáo dục có ý kiến trái chiều về Dự thảo Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh, trong đó sẽ giảm việc khen tràn lan khi áp dụng trong năm học này.
Theo dự thảo thông tư mới, việc khen thưởng định kỳ của nhà trường sẽ chỉ được tổ chức vào dịp cuối năm học, thay vì từng học kỳ như hiện nay

Bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, theo quy định, mỗi lớp chỉ có khoảng 25-30% học sinh đạt thành tích “Hoàn thành tốt nội dung học tập và rèn luyện”, nhận giấy khen của hiệu trưởng. Để đạt thành tích này, học sinh phải có năng lực thực sự và trải qua bình chọn của lớp. Ngoài ra, học sinh có năng lực nổi trội về mặt nào sẽ được nhà trường khen về mặt đó.

“Cách đánh giá như vậy phù hợp với xu hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, giúp cha mẹ nhận biết con đang có năng lực nổi trội nào. Một đứa trẻ có thể giỏi đều các môn nhưng đa số học sinh lại có năng lực vượt trội về một mặt nào đó cũng cần được động viên. Nếu thông tư mới giảm lượng giấy khen, e rằng sẽ khiến những học sinh không xuất sắc tủi thân”, bà Bình nói.

Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nói rằng, để giáo viên đánh giá thực chất năng lực học sinh, nhà trường không lấy tiêu chí bao nhiêu % học sinh đạt giỏi/lớp để xếp loại thi đua giáo viên.

Ngoài ra, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là kỳ thi chung, rất căng thẳng nên giáo viên sẽ phấn đấu chất lượng, không lo chuyện giáo viên chấm “lỏng tay” để lấy thành tích học sinh giỏi. Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng, giảm lượng giấy khen để học sinh phải nỗ lực phấn đấu sẽ phù hợp.

Khó thực hiện?

Về dự thảo thông tư mới, nhiều hiệu trưởng cho rằng, giảm lượng giấy khen phù hợp với các trường ở vùng thuận lợi nhưng lại khó khăn cho học sinh miền núi, vùng hải đảo xa xôi. “Bởi có những nơi, học sinh đi học đều ở tiểu học hay đạt điểm trung bình 6,5 đã rất cần được khen thưởng”, một hiệu trưởng nói.

Hiệu trưởng một trường THCS khác cho rằng, khen thưởng nhằm động viên học sinh, tuy nhiên cách làm như hiện nay có lớp 90% học sinh được giấy khen là không thực chất. Điều này xuất phát từ việc giáo viên đánh giá học sinh cũng có phần nới lỏng, quá nhiều điểm 9, 10 cho các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm.

Đặc biệt, ở bậc tiểu học, khi kiểm tra học bạ, đa số học sinh có bảng điểm đẹp như mơ, có em suốt 5 năm học điểm tổng kết các môn đạt 10. Tuy nhiên, khi vào THCS, trường thực hiện bài khảo sát đầu năm mới thấy đó là con số ảo, chỉ có khoảng 15-20% em có năng lực thực sự. Cách làm như vậy thì dù có quy định chỉ khen học sinh giỏi, trên thực tế cũng khó giảm lượng giấy khen.

GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cho rằng, đưa ra quy định về khen thưởng phải có những hướng dẫn, quy định cụ thể từ quy chế học tập, tiêu chí thi đua, giảng dạy phù hợp. Trước đây, học sinh đi học đạt điểm 6-7 đã rất tốt, riêng môn Ngữ văn khó có học sinh nào được cho điểm 10 như hiện nay.

“Cách làm như hiện giờ tôi thấy cách khen thưởng, đánh giá dễ dãi. Các giáo viên, trường học đưa ra một chỉ tiêu đẹp từ đầu năm, sau đó gò học sinh vào cho vừa vặn. Vì thế, con số báo cáo là con số khó phản ánh thực chất”, ông Dong nói.

GS Dong lo ngại, Bộ GD&ĐT thay đổi thông tư về khen thưởng, kỷ luật trong bối cảnh nhiều giá trị giáo dục bị đảo lộn như hiện nay liệu có làm được không. 

Những năm gần đây, tình trạng học sinh cả lớp bậc tiểu học nhận giấy khen của hiệu trưởng không còn chuyện lạ. Có học sinh thậm chí được khen có năng lực nổi trội môn Thể dục, Âm nhạc hoặc nhiệt tình tham gia các hoạt động của trường, lớp.Có người cho rằng, cách khen từng mặt nổi trội như vậy là nhân văn, nhưng cũng có ý kiến nhìn nhận khen như vậy làm giảm động lực phấn đấu của học sinh.