3 người rút kháng cáo
Ngày 14/5, sau 1 tuần xét xử, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm với bị cáo Đinh La Thăng- nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đồng phạm. Trước đó, ngày 22/1, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Thăng án 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”; Trịnh Xuân Thanh- nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) án chung thân về các tội “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản”; 20 bị cáo khác nhận từ 30 tháng tù treo tới 22 năm tù giam. Tất cả cùng liên đới bồi thường thiệt hại cho PVN hoặc PVC.
Tiếp đến, 15 bị cáo và 1 người liên quan là anh Trịnh Hùng Cường (con trai ông Thanh) kháng cáo. Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm nên được Tòa án đình chỉ xét xử. Khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, anh Trịnh Hùng Cường và 1 bị cáo khác cũng xin rút kháng cáo của mình.
Y án với ông Đinh La Thăng
Trong số 13 bị cáo còn lại, ông Đinh La Thăng đề nghị xem xét lại tội danh và hình phạt, cho rằng hành vi của mình là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, không phải cố ý làm trái. Bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên TGĐ PVN kháng cáo toàn bộ bản án, khẳng định ông không biết hợp đồng ký với PVC là sai phạm và không chỉ đạo cho đơn vị này ứng tiền. Số bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm dân sự.
Tại phần tranh luận, kiểm sát viên phúc thẩm đề nghị giảm án cho ông Thực và một số bị cáo khác; giữ nguyên mức án những người khác trong đó có ông Đinh La Thăng. Kiểm sát viên còn đề xuất, nếu bị cáo Phùng Đình Thực đang nghiên cứu công trình khoa học đặc biệt quan trọng, có thể làm đơn xin miễn hình phạt. PVN và PVC cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ của mình.
Qua tuyên án, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn khẳng định, năm 2011, bị cáo Đinh La Thăng và cấp dưới đã chọn PVC làm tổng thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi hồ sơ chưa đủ tính pháp lý, chưa đánh giá đúng năng lực nhà thầu của PVC… Tiếp đến, các bị cáo cho PVC ứng tiền để xây dựng Thái Bình 2 và PVC sử dụng sai số tiền này, gây thiệt hại 119 tỷ đồng. Vì vậy, hành vi của các bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực… là cố ý làm trái. Ngoài ra, các bị cáo thuộc PVC còn thực hiện chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, lập hồ sơ khống, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chi tiêu; nhóm này phạm vào tội “Tham ô tài sản”.
Sau khi xem xét các tình tiết, tòa phúc thẩm quyết định không có cơ sở giảm mức bồi thường của các bị cáo cho nguyên đơn dân sự là PVN và PVC. Cấp phúc thẩm cũng tuyên y án 13 năm tù với ông Đinh La Thăng. Ông Phùng Đình Thực được giảm án từ 9 xuống 6 năm tù. Các bị cáo khác lĩnh mức án tương ứng hành vi phạm tội.
Những quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị được giữ nguyên.
Ông Đinh La Thăng mất quyền ĐBQH
Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ban Công tác đại biểu báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, ĐBQH khóa XIV tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, ĐBQH khóa XIV tỉnh Quảng Nam.
Ngày 22/1/2018, tại Bản án hình sự số 33/2018/HS-ST, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh. Chiều 14/5, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù với ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh bị 7 năm tù. Ngoài ra, ngày 29/3/2018, tại Bản án sơ thẩm số 110/2018/HS-ST, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ vào Ocean Bank....
Theo khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật”. Trong trường hợp này, ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền ĐBQH kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.
Cùng ngày, căn cứ vào văn bản của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ ĐBQH kể từ ngày 14/5.
Thành Nam