Vùng thượng nguồn sông Mekong, thuộc Trung Quốc, chiếm 90 phần trăm tiềm năng thủy điện của toàn bộ sông Mekong, bởi độ cao so với mặt nước biển của nó. 10 phần trăm tiềm năng thủy điện còn lại ở các nước thuộc lưu vực sông Mekong, trừ Việt Nam vì sông Mekong xuống đến đây đã phẳng lặng.
Trung Quốc đã, đang và có kế hoạch đắp tám đập xây nhà máy thủy điện, tổng công suất 15.400 MW điện. (Tuy nhiên, theo Hiroshi Hiro, một chuyên gia uy tín về sông Mekong của Nhật Bản, tài liệu chính thức của Tỉnh ủy Vân Nam cho biết, có 14 đập trên dòng chính khúc thượng nguồn sông Mekong, chưa kể vô số những con đập phụ lưu - PV).
Đã có ba con đập vận hành. Riêng đập Xiaowan (Tiểu Loan) trữ đến 15 tỷ m3 nước, tính ra sử dụng một nửa lượng nước ở thượng nguồn Mekong trong thời gian 5 - 10 năm. Trung Quốc đang tính đắp một con đập khác, trữ đến 22 tỷ m3 nước.
Ở Lào, trên dòng chính Mekong, có kế hoạch đắp chín đập. Nếu tính cả phụ lưu sông Mekong, Lào đắp 23 đập. Campuchia cũng có kế hoạch đắp hai đập, trong đó đập Sambor dài đến 35 km. Đập này có độ dài kỷ lục bởi về vùng đồng bằng, phải dài như vậy mới giữ được lượng nước lớn.
Hiểm họa khó lường
Cứ 1.500 MW điện sản xuất bằng cách đắp đập xây nhà máy thủy điện trên sông Mekong, gây thiệt hại 19 tỷ USD cho ngành thủy sản gắn liền với con sông. Mấy chục năm qua, ngư dân trên sông Mekong chứng kiến sự sụt giảm sản lượng thủy sản, có nhiều loài gần như tuyệt chủng. Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng còn ở phía trước, khi hàng loạt đập hoàn thành.
Hầu hết các loài cá trắng trên sông Mekong có đặc tính là mùa khô, lên thượng nguồn để sinh sản. (Chẳng hạn loài cá Pla Beuk, mỗi năm vượt hàng nghìn cây số lên thượng nguồn sinh sản - PV). Khi hàng loạt đập mọc lên chắn ngang dòng sông, chặn luôn đường sinh sản của các loài cá.
Năm 1993, Trung Quốc hoàn thành đập đầu tiên, Manwan (Mạn Loan), công suất phát điện 1.500 MW, chưa đủ lớn để điều khiển nước sông Mekong. Đến năm 2012, Trung Quốc hoàn thành việc trữ nước nhiều đập lớn, nắm giữ khoảng 20 phần trăm lượng nước sông Mekong trong mùa khô, sẽ điều khiển được con sông này.
Từ năm 2006, qua hệ vệ tinh định vị toàn cầu, Trung tâm Nghiên cứu Henry L. Stimson theo dõi và xây dựng hình ảnh về tác hại môi trường gây ra bởi các đập trên sông Mekong, tập trung vào bốn đập lớn, hai ở Campuchia và Lào, hai ở Trung Quốc. Những vấn đề an ninh lương thực, an sinh xã hội của các nước trong lưu vực sông Mekong đã được đặt ra, dự đoán sẽ rất gay gắt trong tương lai.
Chiến lược nào?
Trung Quốc ráo riết xây dựng đập ở thượng nguồn, còn tích cực hỗ trợ việc xây đập ở Lào và Campuchia. Ngân hàng của Trung Quốc cho vay tiền và các công ty của Trung Quốc trực tiếp thi công.
Nhiều công ty của Thái Lan, Malaysia cũng tham gia liên doanh. Đập lớn nhất ở Lào, Pak Beng, là liên doanh giữa Lào và Malaysia. Một số công ty của Việt Nam cũng tham gia liên doanh xây đập thủy điện ở Lào.
Trong lịch sử, các thập kỷ 50 - 70 của thế kỷ trước, Mỹ và đồng minh có ý định xây 9 - 12 đập ngăn sông Mekong ở Lào. Mục đích của Mỹ lúc đó là khống chế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ngăn chặn cuộc chiến tranh giải phóng của Việt Nam.
Việc xây dựng hàng loạt đập lớn hiện nay, rõ ràng có mục đích thương mại và nhu cầu trước mắt. Đối với các công ty trực tiếp xây dựng, mục đích là lợi nhuận, có khi còn tác động vào chính quyền để thực hiện.
Với lãnh đạo các nước, nhu cầu điện năng cho phát triển thúc bách nên ảnh hưởng tới sự lựa chọn. Nhưng các quốc gia còn có mục đích nào khác không? Mục đích chiến lược của từng quốc gia là gì? Điều này, hiện vẫn rất khó xác định khi mà thông tin về các đập đang bị giấu kín.
Các nước bên ngoài hầu như không có thông tin về kế hoạch xây dựng đập của Trung Quốc, rất ít thông tin về các đập của Lào, Campuchia. Mekong là sông quốc tế, để phát triển cần sự hợp tác quốc tế. Nhưng, hiện nay, nó đang bị các lợi ích quốc gia chi phối.
Sáu Nghệ lược ghi