Xung đột Nga - Ukraine ngày 24/11: Nga muốn giành lại Kursk trước ngày ông Trump nhậm chức

TPO - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Nga đặt mục tiêu đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi tỉnh Kursk trước ngày 20/1, ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Phát biểu ngày 23/11, ông Zelensky cho biết: “Đối với Nga, điều quan trọng nhất là đẩy chúng ta ra khỏi tỉnh Kursk. Tất cả những câu chuyện này, tất cả những chỉ số này, các cuộc tấn công bằng tên lửa mới, không phải chỉ để cho vui. Tôi chắc chắn họ muốn đẩy lui lực lượng của chúng ta trước ngày 20/1. Họ muốn chứng minh rằng đang kiểm soát được tình hình, dù thực tế không phải vậy”.

Trước đó, tờ Telegraph đưa tin 50.000 binh sĩ Nga và Triều Tiên đã được triển khai trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát tỉnh Kursk từ Ukraine trước khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng 1.

Cũng trong bài phát biểu hôm thứ Bảy, Tổng thống Zelensky nói rằng Ukraine có cơ hội chấm dứt xung đột vào năm tới, và các đề xuất của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc này sẽ được công bố khi ông trở lại Nhà Trắng.

Điện Kremlin giải thích về sự xuất hiện bất ngờ của tên lửa Oreshnik

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với nhà báo Pavel Zarubin rằng hoạt động nghiên cứu và phát triển vũ khí hiện tại của Nga không được công khai rộng rãi. Đó là lý do nhiều người bất ngờ khi Nga phóng tên lửa siêu thanh Oreshnik vào Ukraine.

“Tôi chắc chắn rằng hiện tại không ai trong chúng ta biết về bất kỳ diễn biến mới nào trong tương lai”, ông Peskov nói.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Mátxcơva đã thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo siêu thanh phi hạt nhân tầm trung mới, được gọi là "Oreshnik". Tên lửa được phóng hôm 21/11 nhằm vào một doanh nghiệp quốc phòng tại thành phố Dnipro của Ukraine, và cuộc tấn công đã đạt được mục tiêu.

Ông Dmitry Medvedev: Xung đột ở Ukraine có thể kết thúc nhanh chóng

Xung đột giữa Mátxcơva và Kiev có thể nhanh chóng kết thúc mà không có thêm thương vong nào, nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tỉnh táo lại và từ bỏ chính sách hiếu chiến đối với Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói khi trả lời phỏng vấn tờ Al Arabiya.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. (Ảnh: Sputnik)

Theo ông Medvedev, việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga đã khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột. Kiev đã tiến hành một số cuộc tấn công như vậy bằng hệ thống ATACMS và HIMARS do Mỹ sản xuất, cũng như tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất.

Mátxcơva đáp trả bằng cách tấn công một cơ sở công nghiệp quân sự tại thành phố Dnipro của Ukraine bằng một tên lửa đạn đạo tầm trung mới được trang bị đầu đạn thông thường.

Hôm 23/11, Pháp chính thức xác nhận rằng nước này đã "bật đèn xanh" cho Kiev sử dụng tên lửa hành trình SCALP-EG do Pháp sản xuất trong các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.

“Các quốc gia thành viên NATO về cơ bản đã tham gia hoàn toàn vào cuộc xung đột này”, ông Medvedev bình luận về những diễn biến trên, cho biết "các quốc gia nên hiểu rằng họ hiện đang tham gia xung đột theo phía Ukraine, và họ đang ở trong tình trạng chiến tranh với Nga".

Các quốc gia phương Tây không chỉ cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính cho Kiev, mà còn chỉ điểm các mục tiêu tấn công cho các tên lửa phương Tây mà Ukraine đang sử dụng, ông Medvedev tuyên bố.

Trong những trường hợp như vậy, không thể loại trừ bất kỳ phương án nào, ông Medvedev cảnh báo, chỉ ra học thuyết hạt nhân mới được Nga cập nhật gần đây cho phép đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với một cuộc tấn công thông thường của một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ, bao gồm cả một cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Nga.

“Bất kỳ ai hiện đang khuấy động cơn cuồng loạn chiến tranh, chủ yếu là trong NATO, Mỹ và các quốc gia khác, nên cân nhắc về điều đó”, ông Medvedev nói.

Khi được yêu cầu giải thích thêm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, ông mô tả đây là một khả năng “thực tế”, nhưng Mátxcơva rất muốn tránh lựa chọn đó.

Theo ông Medvedev, xung đột Ukraine có thể nhanh chóng và dễ dàng kết thúc mà không có thêm bất kỳ tổn thất nào. Nếu NATO chỉ đơn giản là “ngừng thổi bùng ngọn lửa chiến tranh ở Ukraine, thì cuộc xung đột này có thể kết thúc mà không có thêm tổn thất”, ông nói.

Tên lửa Iskander Nga đánh trúng máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine

Cuộc tấn công tên lửa của Nga vào căn cứ không quân Ukraine ở Dnipro đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và khiến Kiev mất ít nhất một máy bay chiến đấu MiG-29.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/11 công bố một đoạn video ghi lại cuộc tấn công của tên lửa Iskander nhằm vào sân bay quân sự Ukraine ở thành phố Dnipro. Cuộc tấn công khiến một máy bay chiến đấu MiG-29 cùng 15 nhân viên kỹ thuật của Ukraine bị loại bỏ.

(Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)

Theo bộ này, vụ không kích được thực hiện bằng tên lửa trang bị đầu đạn chùm, với mục tiêu làm suy yếu khả năng của Không quân Ukraine, cũng như loại bỏ các mục tiêu quan trọng tại khu vực sân bay.

Bộ Quốc phòng Nga lưu ý, trong 24 giờ qua, các lực lượng hàng không tác chiến-chiến thuật, máy bay tấn công không người lái, lực lượng tên lửa và pháo binh Nga cũng đã tấn công cơ sở hạ tầng, thiết bị quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine ở 149 khu vực. Đồng thời, hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ 3 quả bom dẫn đường Hammer, 8 tên lửa HIMARS MLRS cùng 59 máy bay không người lái.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga đã loại bỏ 649 máy bay chiến đấu, 283 trực thăng, 36.559 máy bay không người lái, 586 hệ thống tên lửa phòng không, 19.941 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.492 hệ thống tên lửa phóng loạt, 18.405 pháo dã chiến và súng cối cũng như 28.661 xe quân sự của Ukraine.

Theo Pravda, Tass