Xúc động khi được nghe... trách mắng

TP - Nỗi đau của thời khắc 7 giờ 55 phút ngày 26/9/2007, xảy ra thảm họa sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ, đã lùi về quá khứ. Lắng lại ngày càng sáng đẹp là những giọt máu nghĩa đồng bào khi đó góp phần quan trọng giảm đau thương, vượt thảm họa.
Các bác sĩ cấp cứu người bị nạn tại hiện trường vụ sập cầu Cần Thơ 2007. Ảnh: Sáu Nghệ.

Buổi sáng ấy, trung tâm TP Cần Thơ dường như ngừng lại công việc bình thường để tập trung khắc phục thảm họa. Các bệnh viện triển khai công tác cấp cứu với khả năng cao nhất. Con đường từ Bệnh viện Quân y 121 và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đến bến Ninh Kiều được phong tỏa để ưu tiên xe cấp cứu. Bến Ninh Kiều tràn ngập áo trắng của thầy thuốc, áo xanh của bộ đội, công an, dân quân tự vệ và thanh niên tình nguyện. Ca nô cao tốc của Quân khu 9, của công an hối hả qua sông. Văn phòng UBND TP Cần Thơ điện khẩn cho các đơn vị du lịch: trưng dụng hết ca nô cao tốc, chi phí tính sau. Anh Mười Hò, Phó văn phòng UBND TP Cần Thơ lúc đó, cho biết: “Các đơn vị du lịch chấp hành ngay và không tính toán gì cả”.

Nơi xảy ra thảm họa trên đất tỉnh Vĩnh Long nhưng xa trung tâm tỉnh, đường khó đi nên nạn nhân được đưa qua sông Hậu, lên bờ Cần Thơ trung tâm thành phố. Thảm họa quá lớn vượt ra ngoài các phương án cứu hộ cứu nạn. Có đến 54 người chết, hơn 100 người bị thương nặng.

Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 121 lên tiếng: “Người chết và bị thương nặng đề nghị đưa về chỗ chúng tôi”. Bởi vì bệnh viện quân y có kinh nghiệm cứu chữa thương binh nặng. Ngày đầu tiên, Bệnh viện Quân y 121 tiếp nhận 43 người chết và 30 người bị thương rất nặng. Tối hôm ấy, một bác sỹ ở bệnh viện này bộc bạch: “Tôi từng cấp cứu thương binh ở chiến trường nhưng chưa lần nào gặp cảnh kinh hoàng như lần này, một lúc tập trung nhiều người chết và bị đa chấn thương, tất cả nát như bị giã, đầy bụi bặm”.

Để cứu chữa nạn nhân, vấn đề cấp bách đặt ra: Máu! Cần nhiều máu, đủ loại và ngay lập tức. Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ lúc đó còn là Trung tâm Huyết học và Truyền máu thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Lãnh đạo Bệnh viện gọi điện sang Sở Y tế Cần Thơ cầu cứu, và lực lượng đoàn viên thanh niên được nhớ đến đầu tiên.

Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ lúc đó, anh Trần Việt Trường (nay là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ) điện thoại ngay tới các cơ sở trực thuộc: Đoàn TN các trường đại học, cao đẳng, quận Ninh Kiều, Công an, Quân sự và cả cán bộ nhân viên cơ quan Thành Đoàn cũng được huy động. Chỉ mấy chục phút sau, đoàn viên thanh niên của nhiều cơ sở đoàn có mặt.

Chỉ trong buổi sáng ngày đầu tiên, kho máu dự trữ của Trung tâm Huyết học và Truyền máu Cần Thơ đã đầy ắp với gần 800 đơn vị máu được hiến. Thanh niên, sinh viên theo tiếng gọi của Thành Đoàn Cần Thơ có mặt nhanh chóng đã lôi kéo nhiều người khác tham gia. Đó là các bà các chị bán hàng trên phố, bác chạy xe ôm, cô bán vé số và cả khách du lịch ngẫu nhiên có mặt cũng vào hiến máu.

Khi kho máu không còn chỗ chứa, nhiều đoàn viên thanh niên đang xếp hàng phải quay về đã lên tiếng… trách cứ Trung tâm Huyết học và Truyền máu Cần Thơ “nhỏ bé”. Giám đốc Trung tâm, bác sỹ Nguyễn Ngọc Huỳnh, lúc đó rơm rớm nước mắt nói với PV Tiền Phong: “Chưa bao giờ tôi nghe trách mắng mà biết ơn như thế này!”.