Xúc động chuyện chàng thủ khoa mồ côi

Ngôi nhà nhỏ chàng thủ khoa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Phương Nam (khối A) nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Lưu Đông, xã Phúc Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Từ trái qua phải: Nguyễn Phương Nam cùng ông bà nội và người anh sinh đôi Nguyễn Ngọc Hòa. Ảnh: Văn Chung (VietNamNet).

Gia đình khó khăn, bố mẹ phải đi làm ăn xa nên ba anh em Nam được ông bà nội nuôi từ năm 3 tuổi cho đến nay. Cách đây 3 năm, bố các em mất vì bệnh ung thư. Mẹ em dù thương các con nhưng nợ nần nhiều, chẳng thể ở gần được. 

Con đường với đầy ổ gà, ổ voi bao nhiêu năm rồi vẫn vậy. Vẫn con đường ấy, vẫn ngôi Trường THPT Đồng Quan này, suốt 3 năm nay đều ghi nhận những gương mặt thủ khoa có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2012 là câu chuyện rơi nước mắt của châng thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội Lê Đức Duẩn. Năm 2013 là gia cảnh nghèo của 2 cô bạn thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội (Nguyễn Thị Như Quỳnh) và Học viện Quân y (Dương Thị Hạnh).

Ngôi nhà của tân thủ khoa Nguyễn Phương Nam ở cùng thôn với thủ khoa Như Quỳnh, chỉ cách vài con ngõ nhỏ.

Trong ngôi nhà chỉ vọn vẹn 36m2 ấy, 5 con người gồm ông bà nội và 3 người cháu sống quây quần bên nhau. Mùa đông thì ấm áp nhưng ngày hè nóng vã mồ hôi. Ngó lên trần nhà nhiều chỗ vết nứt kéo dài, có chỗ hở cả vôi vữa phải che đậy bằng bạt.

Thứ đồ vật có giá nhất trong nhà là chiếc ti vi màu mua được cả chục năm nay. Nó cũng lờ nhờ, sắp hỏng. Song, được nâng niu nhất là những chồng sách xếp cao và những tấm giấy khen treo khắp nhà của ba chị em Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Giao (sinh năm 1945) – ông nội của Nam cười móm mém: “Cả cái Dung (Nguyễn Thị Hương Dung-hiện sắp sang năm thứ 4 Trường ĐH Kiến trúc HN), tới thằng Hòa (Nguyễn Ngọc Hòa – người anh sinh đôi với Nam) và Nam đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi”.

Gia đình ông ngày trước thoát ly về đây nên không có đất ruộng, chỉ ít đất cắm dùi ở đây. "Vợ chồng sống bằng đồng lương giáo viên THCS. Ông nghỉ hưu năm 2005. Mỗi tháng hai người được gần 5 triệu lương hưu” – bà nội của các em - Tạ Thị Tám (sinh năm 1948) cho biết.

Trong ngôi nhà nhỏ của thủ khoa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) thứ quý giá là những tấm giấy khen của ba chị em

Vì khó khăn nên bố của Nam, chú Nguyễn Tân Phương (sinh năm 1972) và vợ Trần Thị Cốm (sinh năm 1970) phải lang bạt khắp nơi từ Hà Đông và bây giờ là Đăk Lăk để kiếm sống. Đứa con đầu tiên của họ tên Nguyễn Thị Hương Dung lên 3 tuổi được gửi về nhờ ông bà nội nuôi. Nam và người anh sinh đôi là Hòa cũng vừa lên 3 thì về ở cùng với chị và ông bà.

Tiền làm không ra nên gần như vợ chồng cô Cốm cậy nhờ cả vào ông bà nội và họ hàng hai bên nuôi nấng các con. Làm ăn ở xa, tiền tàu xe nhiều nên mỗi năm vợ chồng chỉ về nhà được 1-2 lần thăm con.

Đến năm 2009, chú Phương đột ngột ra đi vì bệnh ung thư vòm họng. Cô Cốm dẫu thương con nhưng vì “ở đó còn nợ nần nhiều quá, chưa về được” – bà Tám cho biết.

Suốt 15 năm qua, 3 chị em Nam lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của mẹ cha. Kỉ niệm về mẹ cha với Nam, Hòa chỉ là những lần về thăm nhà vội của mẹ cha và những cuộc điện thoại hỏi thăm, động viên các con cố gắng. Nam, Hòa và cả chị Dung được mọi người nhận xét là trầm tính, gương mặt lúc nào cũng đượm buồn.

Công thức toán học chi chit trên cửa ra vào của nhà thủ khoa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHG Hà Nội) Nguyễn Phương Nam

Ông Giao, bà Tám tiết kiệm từng đồng nuôi các cháu. Bữa cơm cả tuần mới có lát thịt mỏng. “Ơn trời bà thi thoảng bị tụt huyết áp, ông đau yếu nhưng vẫn còn sức chăm các cháu” – ông Giao giọng khàn khàn tâm sự.

Ngày Nam, Hòa còn nhỏ ông Giao phải đi hàn cho chỗ ngồi đằng sau chiếc xe đạp dài hơn để đèo các cháu đi học. Lớn hơn hai anh em lại dùng chiếc xe ấy đèo nhau đến trường. Nhà cách trường gần 7km, bữa trưa hai anh em ăn tạm nắm xôi bà nội đã dậy từ sớm nấu cho.

“Mấy đứa thương ông bà lắm, chưa bao giờ đòi hỏi một thứ gì. Quần áo, sách vở ai quý, ai thương cho chúng nó đều nâng niu và dùng rất giữ gìn” – ông Giao cho biết.

Đến bây giờ Nam, Hòa cũng không dùng di động, không hề có facebook. Nam và Hòa đều là học sinh giỏi của lớp 12A1, Trường THPT Đồng Quan. Nam là em út nhưng lực học khá hơn anh chị. Ở lớp em cũng là lớp phó học tập. 

Năm lớp 9 và lớp 12 em đi thi học sinh giỏi thành phố đều đạt giải Nhì. Bà Tám vẫn còn nhớ: “Trước khi Nam thi học sinh giỏi năm lớp 9 đúng một tuần thì bố các cháu mất. Gia đình động viên mãi cháu mới nỗ lực đi thi và đạt giải cao”.

Câu nói “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn nửa li” được ông Giao ghi lên tường trước sân nhà để nhắc các cháu phải cố gắng học hành. Ảnh: Văn Chung (VietNamNet)

Nam thích toán, mơ ước sau này có thể trở thành một giáo viên truyền thụ kiến thức cho trò như ông bà nội từng làm nên thi vào ngành toán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Hòa thích làm kiến trúc sư nên thi khối A vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Hai em cũng đã tính tới việc thi vào hệ quân sự của Học viện quân y nhưng vì mắt cận quá nên chỉ đăng ký thi vào hệ dân sự của trường.

“Chúng em chọn trường như vậy cũng để sau đỗ ĐH thì chị em ở gần nhau, dễ lo cho nhau hơn. Vào đại học em sẽ đi gia sư kiếm thêm tiền phụ giúp ông bà” – Nam chia sẻ.

Dù chưa biết kết quả nhưng Hòa cũng như người em song sinh đều tự tin vào điểm số cao ở kỳ thi đại học ở cả khối A và B.

Khó khăn nhưng kỳ này ông Giao, bà Tám cũng tính sẽ mua chiếc điện thoại đen trắng giá vài trăm ngàn xem như quà ông bà tặng các cháu đã đỗ ĐH. Một vài hôm nữa chị cả Dũng vẫn đang đi học ở trung tâm thủ đô về, ông bà sẽ nấu bữa cơm để tạ ơn tổ tiên và người cha của em đã phù hộ để các con cháu mạnh giỏi.

Sức già như ngọn nến trước gió chẳng biết khi nào tắt, ông Giao bà Tám chỉ ước sao có đủ sức khỏe để sống, “giúp bố mẹ thằng Nam, thằng Hòa, cái Dung nuôi chúng nó đến ngày tốt nghiệp đại học ra trường”.

Theo Văn Chung

Theo VietnamNet