Xuất khẩu gạo tự đánh mất lợi thế

TP - “Gạo Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trên thị trường gạo thế giới cũng như có nhiều lợi thế cạnh tranh. Nhưng những lợi thế cạnh tranh này đang dần bị đánh mất”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận tại một diễn đàn tìm giải pháp nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam, diễn ra ngày 12/9, tại TPHCM.

> 150 đầu mối được xuất khẩu gạo
> Gạo xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD

“Yếu kém trong việc xây dựng thương hiệu của chúng ta làm cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước giảm sút”- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ông cũng cho rằng, hệ thống logistics chậm cải tiến và công nghệ sau thu hoạch còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân làm mất đi lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Một vấn đề khác là kỹ thuật và thói quen canh tác truyền thống lạc hậu, nhỏ lẻ của người nông dân.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện chưa có mô hình sản xuất lúa gạo thực sự hiệu quả, phù hợp với điều kiện của số đông doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ông Bảy giãi bày, các doanh nghiệp thành viên của VFA đang tìm hiểu học hỏi mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” do Công ty bảo vệ thực vật An Giang triển khai khá thành công.

“Mô hình này rất hay nhưng không thể nào áp dụng được”- ông Bảy nói, đồng thời chỉ ra nguyên nhân: Để làm theo mô hình này, phải chịu lỗ 3 đến 4 năm mới có thể có lãi. Trong khi chỉ cần lỗ 2 năm liên tiếp là giám đốc có thể bị cách chức nên không ông nào dám áp triển khai. Chưa kể, số tiền đầu tư cho cánh đồng mẫu lớn là rất lớn. Tính sơ bộ, theo ông Bảy, mỗi cánh đồng diện tích 1.000 ha đòi hỏi vốn đầu tư không dưới 20 tỷ đồng. Nếu đầu tư mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” quy mô 5.000 -10.000 ha thì kinh phí rất lớn nên không mấy doanh nghiệp đáp ứng được.

“Với cách làm như hiện nay, chắc chắn không nâng cao được giá trị nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng” – PGS.Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản lý cán bộ NN&PTNT nói. Ông kêu gọi: “Phải thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo”.

Theo PGS. Khải, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi ngành hàng và điều này là kinh nghiệm thành công của các nước tiên tiến trên thế giới. Trong khi đó chúng ta lại không làm như thế nên giá trị ngành hàng thấp, sức cạnh tranh kém. Đã thế, chúng ta còn chế biến quy trình ngược, lẽ ra phải sấy rồi mới xay xát thì chúng ta làm ngược lại, và đó là một lý do quan trọng khiến chất lượng gạo rất thấp.

Theo Báo giấy