Số hóa miễn phí SGK

Xu thế giáo dục mở

TP - “Những gì nhà nước cấp kinh phí đều phải được số hóa. SGK sẽ được số hóa và đưa miễn phí lên mạng”. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tại Hội thảo quốc gia hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ ĐH và Hội nhập quốc tế.
Bao giờ số hóa sách giáo khoa để chia tay với cách học truyền thống? Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Bộ GD&ĐT và trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức hôm qua, 16/5.

Chia sẻ tại hội thảo, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng Việt Nam đã sớm có ý niệm cũng như các cách thức về giáo dục mở, nhưng còn manh mún. Với sức mạnh của công nghệ hiện nay chúng ta có cơ hội để đẩy mạnh giáo dục mở, khi mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể học tập trực tuyến. “Cần hiểu hệ thống giáo dục mở là hệ thống giáo dục trong đó các rào cản đối với giáo dục phải được dỡ bỏ cả về thể chế, kinh tế, công nghệ, địa lý đối với người học”, TS Tiến nói. Cụ thể, phải có đầu tư lớn về hạ tầng và phần mềm để phát triển hệ thống giáo dục mở; giải phóng sức ỳ trong giáo dục truyền thống, nhất là hệ thống thi cử truyền thống. Đặc biệt, phải phá bỏ rào cản về lợi ích, tức là sách giáo khoa, giáo trình cũng phải theo hướng mở. “Đã là giáo dục mở thì sách giáo khoa, giáo trình phải được đưa lên mạng và được sử dụng miễn phí, như thế sẽ động chạm lợi ích bản quyền”, TS Tiến nêu.

GS. Đặng Ứng Vận, trường ĐH Hòa Bình cho biết, có 49/80 trường ĐH đã được kiểm định và công nhận chất lượng không đạt tiêu chí về số lượng giảng viên. Về cơ sở vật chất, 41/80 trường đã được kiểm định và công nhận không đạt tiêu chí về diện tích mặt bằng. Trong khi 19/80 trường không đạt tiêu chí về diện tích lớp học, ký túc xá, diện tích nhà ở, sinh hoạt cho sinh viên thì Bộ GD&ĐT lại quy định việc triển khai các chương trình đào tạo chính quy chỉ được thực hiện trong khuôn viên nhà trường. Trong khi phần lớn các thư viện của các trường ĐH là nghèo nàn (54/80 trường không đạt tiêu chí này) thì chúng ta không đầu tư cho các tài liệu học tập mở mà lợi ích của nó đã được các nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ.

 SGK Bộ GD&ĐT biên soạn sẽ được số hóa

Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết giáo dục mở là một xu thế nhưng ĐH phải gắn với tự chủ. Trong đó, đầu tiên là nhận diện rào cản đối với  người học, người dạy và đối với cơ sở đào tạo. Những rào cản này  đều phải được dỡ bỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về giáo dục mở, nhưng không phải là hoạt động đầu tiên để xây dựng hệ thống giáo dục mở, vì thực tế chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động, đề án để phát triển vấn đề này. Từ năm 2006, Đảng ta đã xác định chuyển dần từ giáo dục truyền thống sang giáo dục mở. Đến Nghị quyết T.Ư 29 thì xác định rõ xây dựng xã hội học tập, giáo dục mở cho người lớn, sau đó đã triển khai nhiều đề án hướng đến giáo dục mở. Trong đó có “xóa mù công nghệ số”. Thời đại 4.0, vai trò giáo dục phải đổi mới và đi trước 1 bước.

“Chúng ta chưa hài lòng về kết quả giáo dục, nhưng so với trình độ kinh tế, chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển năng lực của chúng ta thì giáo dục là lĩnh vực có thứ hạng cao hơn cả, được quốc tế đánh giá. Nếu nói về xếp hạng thì giáo dục phổ thông đứng khoảng thứ dưới 50. Cùng với đó chỉ số sáng tạo của Việt Nam cũng được xếp hạng khá cao. Giáo dục phổ thông tương đối tốt, cần đổi mới cách quản lý nhà trường nhưng giáo dục đại học phải đặc biệt lưu ý, phải đổi mới nhiều vì chất lượng còn yếu, nếu xếp thứ hạng thì khoảng 80” - Phó thủ tướng nói.

Do đó bắt buộc các trường ĐH phải tự chủ, trong đó có việc phát triển các học liệu mở. Những rào cản đối với giáo dục mở phải được dỡ bỏ, trong đó có những rào cản về mặt quản lý hành chính. Cùng với đó phải tập trung kêu gọi để xây dựng được hệ thống học liệu mở, trước hết cho các trường ĐH. “Chúng ta cùng xây dựng hệ thống học liệu này, ví dụ sách giáo khoa cũng phải mở, đưa lên mạng, để người học sử dụng miễn phí. Song song đó, phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực, kể cả trong giáo dục, để làm sao người học có thể học ở bất cứ đâu, học trên máy tính, điện thoại, học không phải để lấy bằng mà để nâng cao kiến thức, để trở thành người giỏi” - Phó thủ tướng bày tỏ quan điểm.

Còn TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến thì đề xuất nên xây dựng một wiki về tài liệu giáo khoa để các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, những người tâm huyết với giáo dục có thể đưa lên mạng các bài giảng, từng chương trình sách giáo khoa, thậm chí cả một bản thảo sách giáo khoa để mọi người truy nhập, sử dụng, trao đổi, góp ý, bổ sung, hoàn thiện ngày càng tốt hơn. Đặc biệt với việc triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới thì đây là giải pháp cần được xem xét thực hiện để có những sách giáo khoa có chất lượng.

“Nhà nước thành lập 2 trường ĐH mở (Viện ĐH Mở Hà Nội, trường ĐH Mở TPHCM) nhưng không đầu tư và chỉ đạo thực hiện các yếu tố “mở” tại hai cơ sở giáo dục này nên không có hiệu quả. Hai ĐH mở giờ này cũng giống như các trường ĐH công lập khác”.

GS Đặng Ứng Vận