Tòa sơ thẩm kiến nghị mở rộng vụ án
Trước đó, ngày 22/1, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm, xác định PVN được giao thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Năm 2011, dù biết PVC không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để xây dựng nhưng bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN và các đồng phạm đã chỉ định PVC là tổng thầu duy nhất thực hiện EPC (thiết kế - cung cấp - thi công) dự án.
Tiếp đến, bị cáo Thăng chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định cho PVC số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng. Việc này tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC và cấp dưới chi sai mục đích, gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng cho Nhà nước. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn chỉ đạo cấp dưới lập 4 hồ sơ khống, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (thuộc PVC) để chi tiêu, chiếm đoạt.
Cũng theo tòa sơ thẩm, ngoài tiền mặt, vụ án còn gây ra tổn thất khác gồm hàng loạt cán bộ, chuyên gia của PVN đã vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý - đây là tổn thất đặc biệt lớn. Tiếp đến, vụ án khiến Dự án Thái Bình 2 chậm tiến độ 18 tháng, làm đội vốn công trình, lãi phát sinh; máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi chưa hoạt động… Tòa sơ thẩm kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.
Đáng chú ý, dù không đủ năng lực nhưng ngoài Dự án Thái Bình 2, PVC còn được chỉ định thầu xây dựng một số dự án lớn khác như Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ… Chính phủ đã xác định các dự án này thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, tòa án kiến nghị làm rõ việc thất thoát này để xử lý.
Ông Đinh La Thăng kháng cáo
Từ nhận định trên, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) án tù chung thân về tội “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản”; các bị cáo khác nhận mức án từ 30 tháng tù treo tới 22 năm tù giam; bồi thường tiền thất thoát.
Sau đó, 15 người trong số 22 bị cáo và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo. Phần mình, ông Thăng kháng cáo cho rằng án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ vụ án và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo; kết quả giám định thiệt hại không đúng (119 tỷ đồng tại Dự án Thái Bình 2). Cũng theo bị cáo này, bản thân ông đã nhận trách nhiệm người đứng đầu nhưng chưa được tòa đánh giá và xem xét một cách thỏa đáng. Từ đó, ông Thăng đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh, hình phạt với mình.
Tương tự, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại trách nhiệm hình sự, dân sự cho mình. Ông Thanh khẳng định không tham gia trong các hành vi phạm vào tội “Tham ô tài sản” hay “Cố ý làm trái…” như án sơ thẩm tuyên. Anh Trịnh Hùng Cường - con trai ông Thanh cũng kháng cáo, đề nghị được trả lại biệt thự, nhà đất và ô tô đang bị kê biên vì những tài sản này do ông bà anh cho, không liên quan hành vi phạm tội của bố anh.
Các bị cáo khác có kháng cáo, đa số xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường.
Theo án sơ thẩm: “PVC được PVN chỉ định thầu xây dựng một số dự án khác như Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ… cho đến nay được Chính phủ xác định thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Mỗi dự án như vậy có nguy cơ trở thành một vụ án; lãnh đạo PVC đang phải đối mặt việc điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự khác”.