ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): “Lo ngại nghị quyết giúp một số người thoát khỏi trách nhiệm?”
Có dư luận trong một vài ĐBQH lo ngại coi chừng nghị quyết này giúp cho một số người thoát khỏi trách nhiệm của những sai phạm vừa rồi, trong khi những sai phạm này gây hậu quả hết sức nặng nề. Nhà nước phải lãnh trách nhiệm về mấy chục ngàn tỷ đồng nợ xấu ảnh hưởng đến ngân sách và tiền thuế của dân, trong khi xử lý cá nhân sai phạm rất chậm chạp, thu hồi tài sản khó khăn. Phải làm cho người dân hiểu nghị quyết này không làm hoặc vô tình khiến một số người có sai phạm gây tổn thất lại thoát khỏi trách nhiệm.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia: “Dự thảo Nghị quyết đánh trúng điểm cốt yếu của nợ xấu”
Xử lý nợ xấu càng chậm tổn thất nền kinh tế càng không thể đo đếm được. Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra những giải pháp “đánh trúng” điểm cốt yếu trong xử lý nợ xấu của các NH. Trong đó có những quy định hỗ trợ các NHTM xử lý dần lãi dự thu khi cho phép giãn thời gian xử lý tối đa là 10 năm. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất để các NHTM có thời gian thực hiện tăng thêm vốn điều lệ, củng cố được nền tảng tài chính hiện đang rất yếu và giãn tiến độ trích lập DPRR. Đấy là điều các NH đang ở nhóm trung bình trở xuống đều quan tâm.
Theo TS Võ Trí Thành: “Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu là sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế”
Thực tế ai cũng biết, khi nợ xấu lớn có nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng, nếu không có sự can thiệp từ các nguồn lực khác nhau mà để tự các NHTM xử lý thì vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể... Việc thông qua một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành ngân hàng, mà là sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế. Còn những người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh, chứ không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai ở đây.