Cấp C/O, thuận lợi song không để bị lợi dụng
Chiều 15/1, Tổ công tác của Thủ tướng đã có cuộc làm việc với với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước đang diễn ra, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa Việt Nam, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Vì thế, ông Dũng cho rằng, việc cấp C/O phải bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng không để bị lợi dụng để gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Không thể để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận.
“Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ
Trong việc cấp C/O, ông Dũng đặt vấn đề, VCCI có bảo đảm việc tiến hành kiểm tra thực tế nơi sản xuất về nhà máy, nhân lực, đầu vào nguyên liệu khi cấp C/O không, hay chỉ kiểm tra hồ sơ? Ngoài ra, VCCI còn cấp giấy chứng nhận với nội dung xác nhận bằng tiếng Anh, tuy không phải là giấy chứng nhận xuất xứ, nhưng theo phản ánh, việc cấp giấy chứng nhận này dễ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp sử dụng như chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
“Một doanh nghiệp vừa ra đời năm trước, tổng vốn chỉ có 2 triệu USD nhưng sản xuất lô hàng trị giá cả tỷ USD thì phải xem xét”, ông Dũng nêu ví dụ và cho rằng các cơ quan cần hết sức nhạy cảm trong việc kiểm tra khi cấp C/O.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định tỷ lệ C/O bị hải quan các nước yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ. Kết quả xác minh cũng cho thấy, các lô hàng được cấp C/O Việt Nam đều đáp ứng các điều kiện được cấp C/O. Tuy vậy, có tình trạng doanh nghiệp làm giả C/O để gian lận xuất xứ.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ xây dựng, cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là cơ sở để các bộ ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ chi tiết tại Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Cho đến nay, đã có 25 mặt hàng trong danh sách này.