Xử lý cả chủ đầu tư và công chức liên quan nhà sai phép

TP - "Phải tập trung xử lý cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Nếu không xử lý tương xứng với hành vi vi phạm thì không thể chấn chỉnh được, tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần", ông Phạm Quang Nghị - Bí thư thành ủy Hà Nội nói.
Công trình cao tầng tại 55A-55B Bà Triệu vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng

> Đua xây vượt tầng dồn nén nội đô

Công trình cao tầng tại 55A-55B Bà Triệu vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng.

Trong Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ban, ngành sáng qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết vừa qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra nghiêm trọng ở cả nội thành và ngoại thành... 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ rõ nguyên nhân chủ quan chính là cán bộ quản lý trực tiếp buông lỏng, nể nang, né tránh, dung túng, cố ý sai phạm đã gây nên thực trạng trên.

Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy khẳng định, thay vì xử lý, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm, làm theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Về sai phạm tại 55A, 55B phố Bà Triệu, ông Trần Trọng Dực cho hay, chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng 9 tầng song đã xây lên 14 tầng, trên nền ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp.

Theo ông Dực, khâu cấp giấy phép cho công trình này của Sở Xây dựng đã có nhiều sai phạm, như tòa nhà không có khoảng lùi, không đảm bảo chiều cao, vi phạm chỉ giới đường đỏ.

Sở Xây dựng cũng không chấp hành ý kiến của Thủ tướng về việc dừng phá dỡ biệt thự và không cho phép xây nhà cao tầng trong nội đô. Chính Sở Xây dựng đã làm trái các quyết định của UBND thành phố và Thủ tướng để cấp giấy phép xây dựng có lợi cho chủ đầu tư.

Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, trong quá trình xây dựng, UBND phường Hàng Bài đã có nhiều biên bản ghi nhận hiện trạng, song chỉ trong 2 tháng cuối năm 2011, tòa nhà này đã được xây sai phép từ tầng 9 lên tầng 14.

Khi sai phạm chưa bị xử lý, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã kiến nghị thành phố cho phép điều chỉnh giấy phép xây dựng để mở rộng công trình làm bảo tàng tư nhân, UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng nghiên cứu mở rộng công trình theo đề xuất của Sở Văn hóa.

“Do vậy, công trình sai phép này vẫn tồn tại đến nay. Thay vì xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư, buông lỏng và tiếp tay cho sai phạm, làm theo chủ đầu tư. Chủ đầu tư cũng rất am hiểu lĩnh vực xây dựng và tìm mọi cách hợp thức hóa”, ông Trần Trọng Dực khẳng định.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, người vi phạm trật tự xây dựng đã sai song cơ quan tham mưu cũng có khuyết điểm. Trong một số vụ việc, chủ đầu tư còn dẫn đường cho cơ quan quản lý làm theo.

"Phải tập trung xử lý cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Nếu không xử lý tương xứng với hành vi vi phạm thì không thể chấn chỉnh được, tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần", ông Phạm Quang Nghị nói

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó hơn 1.104 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 65% số vi phạm.

Các huyện để xảy ra nhiều vụ vi phạm là Quốc Oai (382 trường hợp), Sóc Sơn (290 trường hợp), Từ Liêm (151 trường hợp) và Thanh Trì (135 trường hợp).

Theo Báo giấy