Xôn xao thông tin trụ trì chùa Trung Hành dọa thả chó cắn 'nát mặt' phật tử

Theo lãnh đạo UBND phường Đằng Lâm, sư trụ trì chùa Trung Hành có thái độ "khó hiểu", không đúng chuẩn mực của người tu hành không phải chỉ riêng với du khách mà còn cả với người dân địa phương.
Trụ trì chùa Trung Hành Thích Bản Phúc vừa uống bia vừa tiếp phóng viên

Ngày 22-4, hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng, cho biết sẽ có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở với đại đức Thích Bản Phúc, vị Trụ trì chùa Trung Hành (phường Đằng Lâm, quận Hải An), có nhiều thông tin phản ánh về hành động, lời nói thiếu chuẩn mực với phật tử cũng như chính quyền địa phương.

Trước đó, 19-4, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có nickname L.S., vừa đăng tải một bức hình đang chụp tại khuôn viên chùa vừa bức xúc kể lại việc bị sư trụ trì của chùa Trung Hành, buông lời khiếm nhã chỉ vì mình và người bạn lấy điện thoại ra để chụp hình lưu niệm tại chùa.

Theo chủ tài khoản này, trong khi đang chụp ảnh cảnh chùa thì đại đức Thích Bản Phúc xuất hiện quát tháo với ngôn từ không phù hợp, dọa thả chó ra "cắn nát mặt".

Người phụ nữ cũng cho biết sư thầy có hướng dẫn họ sang chùa khác trên địa bàn Hải Phòng để chụp ảnh nhưng trong lúc hướng dẫn đường đi thì liên tục buông những lời khó chấp nhận.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết này lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng với hàng ngàn lượt quan tâm và gần một ngàn lượt bình luận. Nhiều người cũng bày tỏ sự bức xúc trước thái độ của sư trụ trì và đồng tình với quan điểm của tài khoản Facebook L.S đưa ra bởi vì họ cũng từng là "nạn nhân".

Hòa thượng Thích Quảng Tùng cũng cho biết thêm bản chất tính tình của đại đức Thích Bản Phúc là thật tính, giữa ban quản lý di tích miếu Trung Hành với đại đức cũng có khúc mắc từ lâu nay.

Theo ông Đinh Văn Khánh, Chủ Tịch UBND phường Đằng Lâm, việc sư trụ trì chùa Trung Hành có thái độ "khó hiểu", không đúng chuẩn mực của người tu hành không phải chỉ riêng với du khách mà còn cả với người dân địa phương.

Chủ tịch UBND phường Đằng Lâm cho biết thêm có những ngày phật tử chưa lễ bái xong thì sư trụ trì đã "đuổi cổ", thậm chí mang cả đồ lễ của Phật tử vứt ra chỗ khác.

Qua tìm hiểu của PV, từ khi về trụ trì tại ngôi chùa này, đại đức Thích Bản Phúc luôn tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền địa phương, không chấp hành các quy định pháp luật, hàng năm tổ chức nhiều lễ, nhưng không có đăng ký, không xin phép, không báo cáo, coi ngôi chùa Trung Hành là của riêng gia đình mình, muốn làm gì thì làm. Khoảng chục năm nay, nhà chùa liên tục vi phạm pháp Luật Di sản văn hóa. Mặc dù UBND phường đã nhiều lần mời Đại đức Thích Bản Phúc họp để bàn về những vấn đề liên quan việc bảo vệ chùa, nhưng Đại đức Thích Bản Phúc không dự, cũng không có hồi âm và tự ý xây dựng, thay đổi tổng quan đến các thiết kế nguyên thủy của chùa, làm biến dạng di tích lịch sử chùa.

Cũng chính vì vậy, từ nhiều năm nay, người dân trên địa bàn phường Đằng Lâm bức xúc và từng đề nghị chuyển vị trụ trì này đi nơi khác.

Phật tử bị cấm chụp ảnh tại chùa

Sáng 22-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, liên quan đến những bức xúc của người dân, đại đức Thích Bản Phúc, trụ trì chùa Trung Hành, cho biết vào dịp đầu xuân mọi người đến chùa lễ Phật thì chụp ảnh bình thường nhưng từ thời điểm hết tháng Giêng trở đi thì "tôi cấm".

Đại đức Phúc cho rằng người ta đăng tải hay nói thế nào là việc của người ta, còn vào chùa là để lễ Phật chứ không phải đến đây để "mở điện thoại ra chụp hình này nọ."

Cũng theo vị trụ trì thì quy định của nhà chùa cứ vào ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) là ngày nguyệt kỵ nên nhà chùa chỉ cho Phật tử và nhân dân vào lễ Phật chứ không cho chụp ảnh trong chùa.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì trong chùa không thấy có bảng nội quy hay quy định cấm quay phim, chụp ảnh vào 2 ngày này để người dân, Phật tử được biết.

Khi được hỏi về việc có hay không chuyện thầy văng tục, dọa thả chó cắn 2 phụ nữ chụp ảnh trong sân chùa, sư Thích Bản Phúc cho hay: "Chúng tôi quản lý về vấn đề tâm linh nên chúng tôi chỉ biết ai nhờ lễ bái, hành đạo, đám ma... lễ nghi như thế nào thì chúng tôi đáp ứng làm còn miệng của phật tử, người ta bảo mình tốt thì tốt mà bảo xấu thì xấu".

Được biết, cụm miếu, chùa Trung Hành khởi dựng vào thế kỷ 16. Ngày 18-1-1993, chùa được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Theo tài liệu lịch sử, Trung Hành là vùng đất Ngô Quyền đóng quân và huy động sức người, sức của, đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước.

Nơi đây cũng là một trong 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của Ngô Quyền, nên được các triều đại kế tiếp phong sắc.

Theo Theo Người lao động