Xóm Việt kiều bên hồ Dầu Tiếng

TP - Ban ngày, dân xóm ấy chỉ loanh quanh trong nhà, nhậu nhẹt, đánh bài giết thời gian. Nhưng cứ đêm đến, đàn ông, đàn bà, trẻ con, tất tật lên ghe bắt đầu làm việc: giăng lưới, đánh cá bắt tôm trên hồ Dầu Tiếng.
Nhà ai cũng cố sắm máy phát điện

Lạ một điều, khoảng 200 con người ấy đều được xem là Việt kiều. Cách nay hơn 10 năm, họ lũ lượt kéo nhau từ Campuchia về định cư tại tổ 7, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Do khúc mắc về gốc gác, cho đến giờ, những Việt kiều này chưa được công nhận chính thức là người Việt, không có hộ khẩu hay chứng minh nhân dân.

Quãng đời trôi nổi

Ông Nguyễn Văn Xuyên (57 tuổi) không rõ quê gốc mình ở đâu. “Chỉ biết là ông bà nội mình là người Việt Nam, qua Miên (Campuchia- PV) từ những năm 1960. Tụi mình sống trên ghe, làm nghề đánh bắt cá ở Biển Hồ, thuộc tỉnh Bu-xơ-năng (?), Campuchia”, ông Xuyên nói.

Hồi ấy, hơn 100 người Việt, quê hầu hết ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tụ lại sống bằng việc thả lưới quăng chài trên mênh mông Tonle Sap (Biển Hồ). Rồi những đứa trẻ sinh ra, lớn lên. Chúng vừa học tiếng Miên, vừa nói tiếng Việt. Đời sống sông nước thấm đẫm trong máu từng đứa bé trai, bé gái người Việt với nước da đồng hun đầy nắng gió.

Họ cứ đánh cá, ăn cá và bán cá, đổi lấy gạo và những vật dụng thiết yếu hằng ngày. Chính quyền địa phương, thấy nhóm người sống thanh bình, hòa thuận nên đã cấp “giấy xanh” (giấy tạm trú lâu dài) cho làng chài người Việt ấy, những người ít khi rời ghe bước lên bờ.

Trẻ con xóm chài quen với sông nước từ lúc lọt lòng.

Cuộc sống cứ thế trôi như dòng nước Tonle Sap lên xuống theo mùa. Đến cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, tình hình chính trị- xã hội Campuchia có nhiều biến động. An ninh trở nên phức tạp. Trộm cướp, giang hồ bắt đầu “hỏi thăm” xóm chài người Việt. Cuộc sống căng thẳng đến mức khá nhiều gia đình làng chài phải tìm cách tự bảo vệ. “Có lúc, chúng tôi phải tìm mua súng để tự vệ”, ông Xuyên nhớ lại.

Nhưng rồi mọi người cũng không thể cưỡng lại những phức tạp của đời sống lúc ấy. Tuy được coi là dân tạm trú lâu dài, nhưng trong con mắt của nhiều người địa phương, xóm chài người Việt chỉ là dân ngụ cư.

Thấy mọi việc có vẻ không yên ổn, nhiều người trong xóm chài bắt đầu nghĩ tới chuyện quay về Việt Nam. Dùng dằng một thời gian, hơn 100 con người, lúc này đã thêm thế hệ thứ hai, thứ ba lục tục quay về Việt Nam, đất nước được nói là nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà cha mẹ họ. Lúc ấy là năm 1988.

Nhà ai cũng cố sắm máy phát điện.

Lúc đầu những người này trôi về vùng La Ngà, Đồng Nai, tiếp tục giăng câu thả lưới ở vùng lòng hồ thủy điện Trị An. “Lúc qua biên giới, bộ đội biên phòng thu lại giấy tờ tùy thân do phía Campuchia cấp cho chúng tôi, đổi lại, mỗi người được phát một giấy chứng nhận”, ông Xuyên nói.

Nhưng rồi ở hồ Trị An cũng khó sống. Vùng lòng hồ đều có người thầu khoán nuôi thủy sản, việc đánh bắt tự nhiên của xóm chài trở nên khó khăn. Nghe nói trên Dầu Tiếng đất rộng, người thưa, năm 2010, xóm chài Việt kiều đổ về hồ thủy lợi Dầu Tiếng, lập xóm chài, cất nhà bè. “Lúc ấy khu Việt kiều Campuchia được gọi là xóm nhà bè, vì người ta sống hầu hết trên thuyền, đóng bè cất nhà, nuôi cá”, ông Trịnh Đình Toàn, chủ tịch xã Minh Hòa nói.

Đầu năm 2004, để tránh ô nhiễm hồ Dầu Tiếng, một trong những nơi chứa nước ngọt cho vùng Đông Nam bộ, chính quyền địa phương đã vận động các hộ lên bờ. 25 gia đình được bố trí ở một vùng đất bán ngập của lòng hồ, mỗi hộ có 60m2 cất nhà, định cư. Xóm nhà bè dựng nhà san sát cạnh nhau như một dãy phố.

Tuy nhiên, dù “lên bờ” nhưng dân xóm chài vẫn phải bám theo dòng nước. “Cha tui đánh cá, sống nhờ cá, giờ đến tui, kế là con tui. Cả xóm trông vào con cá”, ông Nguyễn Văn Viên, một cư dân xóm chài bảo. Lũ trẻ trong xóm, cứ học hết lớp 5 là nghỉ. Tối đến, chúng theo cha mẹ xuống ghe, học cách mưu sinh từ cái chài, cái lưới.

“Chúng tôi bắt đầu công việc vào tầm 12 giờ đêm, 1 giờ sáng. Lúc ấy cá cơm mới đi kiếm ăn. Cá cơm là nguồn sống chính của mọi người ở đây. Giống này lạ, ban ngày lặn sâu dưới đáy, không thể bắt được”, Nguyễn Văn Tèo, một ngư dân 25 tuổi nói. Tèo cho hay, mỗi tối gia đình anh chạy xuồng máy mất 2-3 lít dầu, đánh bắt được 4-5 kí cá cơm. Trừ các chi phí, mỗi ngày một gia đình kiếm được 180-200 ngàn đồng.

Tèo mới lấy vợ, muốn chuyển sang làm công nhân cao su.

Người Việt không biết chữ Việt

“Cuộc sống kể ra cũng không đến nỗi quá khổ, nếu chúng tôi có điện, có hộ khẩu hay chứng minh nhân dân”, Tèo nói. Theo anh, trong 20 năm nay, cả xóm không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nhân thân, quê quán. Đa phần người trong xóm chỉ nhớ mang máng quê gốc ở “đâu đó” miền Tây, đã qua Campuchia lâu quá rồi nên không nhớ.

“Mình mới lấy vợ, muốn qua quê vợ ở gần thị trấn Dầu Tiếng làm công nhân cao su mà cứ phải xin xác nhận lên xác nhận xuống vì không có chứng minh nhân dân”. Khi lấy vợ, chính quyền địa phương đã linh động làm giấy đăng ký kết hôn cho hai người. “Nhưng em không có chứng minh nhân dân, chả biết có hợp lệ hay không”, Tèo nói.

Không có hộ khẩu, chứng minh thư, người xóm nhà bè phải nhờ người đăng ký hộ khi mua xe gắn máy hoặc mua xe trôi nổi. “Công an bắt gặp mà tịch thu là mất trắng”, anh Nguyễn Văn Đỏ, người được coi là khá giả nhất xóm nói.

“Ông Nguyễn Văn Xuyên bảo: điện cũng cần, nhưng cái dân xóm chài cần trước hết là tư cách công dân, cần hộ khẩu. Sống không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân thì chả khác gì trước đây, như dân du mục.” 

6 giờ chiều, cả làng chài tối om. Ở đây hầu hết các gia đình phải sắm máy phát điện vì không có điện lưới. Nhà nào không có tiền phải thắp đèn dầu, nến hoặc dùng bình ắc quy. Nước sạch là thứ “xa xỉ” với cư dân ở đây. Có hộ khoan giếng, có hộ lấy nước hồ nấu ăn, tắm giặt.

“Dân trong xóm chỉ dám chạy máy phát từ 5-7 giờ. Sau giờ đó, cả xóm tối thui. Chạy 2 giờ máy phát cũng tốn hơn 30 ngàn. Một tháng là cả triệu bạc tiền dầu”, Tèo nói. “Cái hồi World Cup, khối nhà trả tiền dầu vỡ mặt vì mấy ổng ham coi đá banh”, ngư phủ 25 tuổi kể.

Hồi chiều, tôi gặp Tèo khi anh qua nhà hàng xóm, một người hiếm hoi trong khu nhà bè có quê quán rõ ràng. Anh Tuấn, quê Ba Tri, Bến Tre là người đọc thông viết thạo nhất xóm. Vì lý do đó, anh luôn là nơi nhờ cậy của bà con chòm xóm mỗi khi động đến chữ viết, đơn từ.

Tèo qua nhờ anh Tuấn viết cho cái đơn xác nhận “anh Nguyễn Văn Tèo đã cư trú ổn định ở tổ 7, ấp Hòa Lộc, Minh Hòa, chưa được cấp chứng minh thư, nay muốn xin làm công nhân cạo mủ cao su…”. Tèo bảo: cả xóm này hầu hết ú ớ tiếng Việt. Chàng trai sinh ra trên đất Campuchia cho hay, chỉ biết được mặt chữ do cha mẹ dạy “truyền tay”, giờ “viết sai chính tả tùm lum”.

Ông Xuyên bảo: điện cũng cần, nhưng cái dân xóm chài cần trước hết là tư cách công dân, cần hộ khẩu. Sống không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân thì chả khác gì trước đây, như dân du mục.

Tuy nhiên, ông chủ tịch xã Trịnh Đình Toàn cho hay: “Bà con từ Campuchia về, tức là Việt kiều, là đối tượng tỉnh quản lý. Xã không tự giải quyết được. Giờ muốn cấp hộ khẩu, chứng minh thư thì bà con phải quay về nơi cư trú trước đây, tức là bên Campuchia lấy giấy xác nhận. Như vậy, chính quyền mới có căn cứ xác nhận tư cách công dân, cấp hộ khẩu hay chứng minh thư. Đã nói vậy mà có ai làm đâu”.

Đêm nay dân xóm nhà bè lại xuống ghe đi đánh cá, dù mực nước hồ Dầu Tiếng ngày càng cạn, lòng hồ càng thu hẹp và mặt nước đang được giao khoán cho một số đại gia để nuôi trồng thủy sản…

Theo Báo giấy