Xóm bánh tráng trở lại nghề đốt than

TP - Rất nhiều công sức vận động để biến xóm phá rừng thành làng bánh tráng Ea Bar - làng nghề truyền thống đầu tiên được UBND tỉnh công nhận ở Đắk Lắk. Thế nhưng chỉ sau một thời gian “ trống giong cờ mở”, nhiều lò bánh đã đóng cửa để… trở lại nghề đốt than!
Chất củi chuẩn bị đắp lò đốt than

Nhiều năm trước, hàng trăm hộ dân ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (nơi có Vườn quốc gia Yok Đôn diện tích lớn nhất trong các VQG của cả nước) đua nhau phá rừng, biến cây thành củi để kiếm sống bằng nghề đốt than. Bị lực lượng liên ngành liên tục tổ chức truy quét, phá lò, bắt than liên tục, nhiều lò than cụt vốn, phải xoay xở tìm cách mưu sinh khác bằng nghề làm bánh tráng.

Năm 2011, làng bánh tráng Hòa Nhơn ở xã Ea Bar được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống đầu tiên của tỉnh. Cho tới cuối năm 2013, số hộ làm nghề tráng bánh ở các thôn trên toàn xã tăng lên tới gần 200 hộ, có tổ chức liên kết với các làng nghề, hợp tác xã bánh tráng khác ở Tây Ninh, Tuy Hòa để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nhiều báo đài đã đến viết bài, làm phim truyên truyền về những tấm gương năng động đã xóa bỏ quá khứ “ lâm tặc” để trở thành thợ tráng bánh giỏi, thu nhập khá.

Thế nhưng, chuyến trở lại làng nghề mới đây đã khiến chúng tôi sửng sốt, khi tận mắt thấy số hộ còn tráng bánh, phơi bánh đã chỉ còn lác đác, thưa thớt ngoài mặt đường. Vào sâu trong làng là cảnh khói bụi mù mịt, hơi than ngột ngạt khó thở. Thì ra, chỉ trong vài tháng kể từ đầu năm 2014 tới nay, đã có rất nhiều thợ tráng bánh do không tiêu thụ được sản phẩm, bánh bán không ai mua đã đành đóng cửa lò, quay lại nghề đốt than.

Vào thôn 6, một trong những thôn tấp nập tráng bánh trước kia, chúng tôi thấy ngay hầu như nhà nào cũng chứa sẵn những bãi gỗ bằng lăng, ngành ngạnh, cà chít ngay trong vườn, mà chủ nhà cho biết mua lại từ cánh quân chuyên khai thác gỗ lậu ở rừng khộp các huyện Buôn Đôn, Ea Súp. Trong các vườn chi chít lò than đang tỏa khói.

Để làm ra than, chủ lò cho đào hầm tròn, mỗi hầm đường kính chừng 2m, sâu 30cm . Cây gỗ được xếp đứng ngay hàng, thật khít, lớp nọ chồng lên lớp kia như hình tháp, không bị bộng thì hầm than mới không sập. Thường mất 3 tiếng mới xếp xong 1 hầm.

Nhìn kỹ, chêm thêm các mẩu gỗ nhỏ vào những khe hở, chủ lò bắt đầu lót rơm đốt gỗ, phủ đất lên cho kín đều, dùng mặt xẻng vỗ đất thật chặt. Kiểm tra lần cuối, đảm bảo lửa đã cháy đều, mới lấp đất kín miệng hầm. Cháy âm ỉ suốt 1 tuần thì toàn bộ củi mới biến thành than, chủ lò dỡ ra, đóng bao phân phối cho các thương lái.

Mỗi bao than 50kg bán tại làng chỉ 80.000 nghìn đồng. Trung bình 1 hầm than thu được vài chục bao. Trừ tất cả chi phí mua rơm, củi, thuê nhân công, thu nhập của các chủ lò dao động cỡ 9-10 triệu đồng/ tháng, chả phải là cao, phải “lót tay đủ cửa” nhưng theo lời họ là “không còn đường kiếm sống nào khác mới trở lại cái nghề cơ cực này”.

Ngoài những bãi đốt than trong từng hộ gia đình, giữa thôn còn có hẳn một khu lò tập trung, không khí làm việc ở đây đặc biệt nhộn nhịp. Cả thanh niên, người già lẫn con nít đều tận lực khiêng cây, chất củi, dỡ than. Biết việc đốt than, tiếp tay cho bọn phá rừng là vi phạm pháp luật nên thấy người lạ vào làng, mắt ai nhìn cũng gườm gườm cảnh giác, né tránh.

Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng nay quay lại nghề cũ đốt than giữa thanh thiên bạch nhật, vừa ô nhiễm môi trường sống lại vừa đẩy nhanh tốc độ điêu tàn của Vườn quốc gia và những cánh rừng khộp quý giá, phải chăng chính quyền địa phương không biết, không hay?

Theo người dân nơi đây, việc gìn giữ làng nghề không phải chỉ hô hào suông mà được! Họ đã nhiều lần kiến nghị cần được hỗ trợ vay vốn, giúp tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng “kêu trời không thấu” nên mới đành “làm liều để mưu sinh” !