Xòe Thái, khèn Mông ai lên cao nguyên, ai về thung lũng…

TP - Cô gái Thái xòe Tết đón duyên xuân, chàng trai Mông vờn khèn đêm giao thừa - dịp năm mới, về thung lũng vàng Mường Lò (Yên Bái) hay dài bước xuân lên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) du hưởng đắm say cái tài tình, cái đẹp có nhãn hiệu… Tây Bắc.
Vòng xòe kỷ lục 2013 người Thái ở Mường Lò. Ảnh: Tùng Duy

Vào đây anh, xòe đi anh…

Chị Phượng ở bản người Thái xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) dậy sớm như mọi ngày. Quét dọn và chuẩn bị ấm trà sáng thật ngon, chị treo lại ngay ngắn cái đàn nhị khách chơi bỏ lại trên chiếu tối qua. Con trai chị cũng đã dắt mấy chiếc xe đạp ra dựng sẵn ở sân. Nhà chị nhiều năm rồi làm dịch vụ ăn nghỉ đón khách đến thăm bản. Mấy ông khách nước ngoài còn đang ngáy o trên nhà sàn, lát nữa sau bữa sáng họ sẽ đạp xe dạo quanh thung lũng Mường Lò.

Chị nói tối nay con gái bản sẽ qua nhà chị xòe mấy làn giao lưu và mời rượu khách. Cứ phải “hai tăng”, con gái nâng chén rượu hát “xe khăm khen” (cầm tay), lại có bài “Đêm trăng Mường Lò” đệm vào, hết chén một sang chén hai vì “người Thái cũng như bao dân tộc khác đều đi bằng hai chân, không say hụt say hẫng được”.

Nhà sàn, múa xòe, rượu ngon, gà đen, xôi nếp và con gái Thái xinh thật xinh biết hát những bài tình ca đằm thắm ở thung lũng Mường Lò lâu năm rồi đã là nổi tiếng của vùng đất Nghĩa Lộ anh hùng và văn hóa đậm màu Tây Bắc.

Dân phượt chuyên nghiệp bằng Honda 67 đã quá quen thuộc những cung đường Tây Bắc ban trắng mùa thu và đào thắm độ xuân về. Cứ theo một dải sơn cước có đường nhựa phẳng lỳ từ tỉnh Phú Thọ nối sang, 200km từ Hà Nội đi lên đã đến thung lũng miền tây. Ngủ lại Mường Lò mà xem da thịt Tây Bắc ý tứ làm sao.

Người Pháp từng lấy đây làm cứ địa “bất khả xâm phạm” hơn 60 năm trước để rồi bị đánh cho tan tác. Hàng chục năm bị cai trị bằng cái văn hóa ở nửa vòng trái đất, người Thái ở Mường Lò vẫn giữ được 6 làn xòe cổ, giữ được nhà sàn và cái tình mến khách.

Mỗi năm nhà chị Phương đón cả ngàn khách nước ngoài. Chị nói, người Pháp giờ du lịch về đây cũng rất thích vui múa xòe. Mấy tháng trước, thị xã tổ chức vòng đại xòe xác lập kỷ lục Guiness Việt nam, 2013 người tham gia cùng múa một vòng xòe tỏa cánh hoa ban to bằng cái sân vận động.

Dân tộc anh em quanh vùng có Kinh, Tày, Dao, Mông, Nùng, Hà Nhì, hàng nghìn người Tây Bắc nô nức kéo về, lửa hồng đốt lên, trống nổi gọi mời, tất cả nắm tay cho một vòng xòe đoàn kết hoàng tráng. Còn Tết về thì càng vui, già trẻ, gái trai đoàn tụ cùng bập bùng thung lũng thâu đêm.

Chả ai phải tập luyện gì nhiều, cứ vào vùng đất Thái mà nhập xòe nhanh chóng, say ngất trong không khí đêm lành có chút mưa xuân. Từ mùng Một đến rằm đầu Giêng, ngày nào cũng có tiệc xòe. Con gái Thái ai cũng biết xòe lại đằm duyên mời rượu. Ai về thung lũng Mường Lò dịp này vẳng câu “xòe đi anh, không xòe thóc cạn bồ”, hẳn khi tạm biệt vẫn còn lâng lâng câu hát có điệu xòe duyên của cô gái Thái.

Áo cỏm căng ngực, tóc búi lên cao, váy nhung đen có thắt đai vừa chật vừa khéo, lúc sương xuân rơi xuống, trời càng lạnh, lửa càng bập bùng, xòe càng bịn rịn chân nhau. Nếu trót… vui mà quàng chân qua vùng Tú Lệ chỉ thêm mấy mươi cây số nữa, hẳn còn nức nở mà chỉ còn biết khen con gái Thái “Người đẹp xuống suối, cá lội xem chân, người đẹp lên rừng, chim về xem mặt”.

Người Thái gửi tình yêu thương, khát vọng sống vào từng nhịp xòe, không phân biệt người vào vòng múa nên có sức hút rất mạnh liệt. Nghệ thuật Xòe Thái đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đã mười năm Mường Lò được chọn là điểm đến du lịch Tây Bắc. Đề án “Xây dựng Thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ” cũng vừa được Yên Bái phê duyệt. Một tầm nhìn xa và hành động lớn lấy cái “phông” giàu văn hóa có làn xòe Thái để thung lũng vàng lúa đỏ ngô vươn lên làm giầu mà vẫn giữ vẹn nguyên chất Thái. Đừng sợ say, đây tay ngà, chén đã dâng đầy. Lửa hội xòe thắp lên, trống khèn mời tha thiết. Vào đây anh, tay cầm tay múa xòe cùng em. Kìa hội vui, xòe đi anh, đừng để em cô đơn một mình, đôi tay ngà đón chờ người ơi…

Trọng khèn, thưởng rượu

Người Thái xòe hoa ban, người Mông khom lưng nhún nhẩy quanh cô gái với cây khèn. 55 ngàn người Mông ở Yên Bái cũng đặc sắc văn hóa không kém qua một nhạc cụ “báu vật” truyền tích. Nhưng cả vùng người Mông rộng lớn ở Tây Bắc, ai sành tiếng khèn chắc hẳn không thể vương vấn tiếng khèn của 215.000 người Mông ở cao nguyên đá Hà Giang.

Ngày cuối năm, chiêm ngưỡng phiên chợ bản cao ở Đồng Văn hay Mèo Vạc, trai gái trên núi tụ về dập dìu lưng con đường vách đá. Người ngựa vắt nghiêng lối mòn xuống chợ Tết, lưng ai cũng có một cây khèn. Xuống chợ mà nhớ mà thương, say rượu ngô men lá bên nồi thắng cố nghi ngút, cả ngày xuân chìm trong nhạc khèn.

Khèn ghẹo tình tán tỉnh, khèn phô tài chàng trai, khèn nấc lên nỗi niềm năm cũ, khèn mạnh mẽ chống lại hơi đá cao nguyên khắc nghiệt mà tỏa ra âm thanh ấm áp giữa chợ, trai gái nghe khèn ưng nhau thì dắt tay nhau ra phía rừng…

Múa khèn. Ảnh: Thanh Tùng

Khèn Mông cấu tạo phức tạp, tinh tế và sáng tạo. Nhà nào có đàn ông, nhà đó có khèn. Khèn thấm vào hồn người Mông như món ăn mèn mén. Ai trọng khèn được thưởng rượu. Ai biết thổi khèn càng được trọng hơn. Không chỉ lúc vui chơi, diễn tài, khèn còn được thổi trong đám tang để tỏ lòng xót thương, tri ân người quá cố hay lễ bái giao tiếp tâm linh.

Ở huyện Đồng Văn còn có lớp dạy nghề kỹ thuật làm khèn ngay tại thôn Tả Cồ Ván. Và đặc biệt, Festival khèn Mông cách đây ít lâu đã tôn vinh chiếc khèn Mông của Hà Giang lên kỷ lục Guiness Việt Nam – một chiếc khèn lớn nhất.

Lên cao nguyên đá Hà Giang chỉ một lần mà… nghiện. Nghiện phong cảnh hùng vĩ mênh mang đá núi có con đường “Hạnh phúc” vắt qua đỉnh Mã Pì Lèng, những ngôi nhà trình tường lấp lóa bên triền đá xám bình yên. Lại đắm say mùa hoa tam giác mạch đẹp mê hồn mùa tháng mười vàng thu khắp cao nguyên. Những địa chỉ nổi tiếng như núi đôi Quản Bạ, chợ tình Khau Vai, Dinh phủ họ Vương, cột cờ Quốc gia Lũng Cú nếu bạn chưa từng đặt chân đến sẽ là thiệt thòi khi mê trải nghiệm.