Có những bình luận tiêu cực: “Đi đu đưa đi” là một bước thụt lùi của Bích Phương trong âm nhạc, khi người ta so sánh với những sản phẩm trước đó của cô. Hay những bình luận khác: Đạo nhạc, copy ý tưởng, “bắt chước” chiêu thức quảng bá MV của Sơn Tùng M-TP… Song thành tích “bề nổi” của “Đi đua đưa đi” có khi vượt ngoài sức tưởng tượng của người đẹp và ê-kip: Chỉ “tốn” 1 giờ 45 phút đã cán mốc 1 triệu view.
Chưa đầy 1 ngày phát hành đã chễm chệ top 1 trending Youtube. Sau 1 tuần phát hành vẫn còn ngồi ở top 3 trending. Người ta đã điểm danh những yếu tố tạo nên sức hút ngoạn mục của “Đi đu đưa đi”: Bích Phương sexy hết nấc, có sự xuất hiện của giai đẹp 6 múi, có những bà già đáng yêu, tung dòng mật mã “hack não”… song không thể không kể đến sự góp công của tựa bài hát khiến người đọc xoắn lưỡi: “Đi đu đưa đi”. Sau gần một tuần phát hành, một khán giả trẻ bình luận: “Đến giờ vẫn không thể đọc lại đúng cái tựa bài hát”. Nhưng hình như khán giả trẻ lại bị hấp dẫn bởi những gì “khó chinh phục”: “Nhìn cái tên bài hát thôi là thấy thích rồi”; “Chất”… vài người bày tỏ thái độ.
Chủ nhân của “Đi đu đưa đi” hồ hởi chia sẻ: “Tên ca khúc chỉ là cách nói vui hàng ngày của tôi khi muốn rủ bạn bè đi chơi. Thay vì nói đi ăn, đi xem… thì “đu đưa” bao gồm tất cả”. Tuy nhiên, Bích Phương cũng để lộ mục đích thật sự khi đặt tên bài hát: “Hi vọng sau ca khúc này các bạn sẽ có tiếng lóng mới để nói với nhau, yolo thoải mái”. Và “mũi tên” của Bích Phương đã bay trúng đích. Không những đông đảo bạn trẻ hưởng ứng mà một số ngôi sao giải trí cũng nhanh chóng bắt trend #Diduduadi. Nhanh nhất phải kể đến Ngọc Trinh, sau đó là Ngô Trà My. Bài hát của Bích Phương thành “chú thích” cho những hình ảnh nóng bỏng của các người đẹp: “Đu đưa không phải là hư/Đư đưa để lắc lư cho hết buồn/Bây giờ không phải ngày xưa/Em sao phải ngại đu đưa với chàng”.
Chẳng biết có phải sức hút mới mẻ từ “Bidibadibidibu” hay không mà Bích Phương và e-kip tung ra MV “Đi đu đưa đi”, để cạnh tranh về độ xoắn lưỡi? Nhưng “Đi đu đưa đi” dù sao cũng dễ đọc hơn và dễ hiểu hơn câu “thần chú” của Chi Pu. Bù lại, MV của Bích Phương “khuyến mại” một câu khiến khán giả trẻ thích thú: “Lúc đi hết mình/Lúc về hết buồn”. Các fan đua nhau “chế”, một trong những “kiểu” chế được đông lượt ủng hộ: “Lúc ăn hết mình/ Lúc mập hết hồn”.
Sau thành công của “Bidibadibidibu”, “Đi đu đưa đi” có thể sẽ xuất hiện trào lưu “xoắn lưỡi”? Trào lưu này an toàn, hiệu quả hơn so với trào lưu gây ấn tượng bằng hình thức gợi tục dễ bị “ném đá”: “Như cái lò”, “Như lời đồn”… Mặc dù, khiến người nghe phải căng tai, người hát phải “tra tấn”lưỡi nhưng chúng lại được khen ngợi “bí hiểm”, “chất lừ”, “sáng tạo” v.v.. Chẳng thấy ai đả động tới nguy cơ làm ảnh hưởng vẻ đẹp của tiếng Việt?
Có người nói theo kiểu “vơ đũa cả nắm”: Giới trẻ hôm nay đã khác rồi. Họ không cần những ca từ sâu sắc, không thích dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh để bày tỏ chuyện yêu đương. Họ ưa những ca từ đơn giản, dễ hiểu, nếu có thêm đôi câu tạo trend càng tốt… Chẳng phải người trẻ nào cũng thích “Đi đu đưa đi”. Cũng có những ý kiến phản hồi: MV chẳng ra làm sao. Có những người kêu gọi tẩy chay “Đi đu đưa đi” vì họ “ghét” phát ngôn của Tiên Cookie: Nghệ sỹ không cần yêu công chúng mà chỉ cần yêu bản thân mình là được. Song người đẻ ra “Đi đu đưa đi” cũng chỉ nói cho “sang mồm”. Bích Phương hay Tiên Cookie… cũng đều nỗ lực để lấy lòng công chúng. Bởi chỉ có vừa lòng “thượng đế”, “view” mới tăng. Đừng đùa với năng lực cày “view” của fan Việt. Theo thống kê, mỗi tháng fan Việt “cày” 28 triệu view cho nhóm nhạc Hàn Quốc BLACKPINK, đứng hàng thứ 4 trong tổng số 10 quốc gia chăm chỉ cày view giúp nhóm “Hắc Hường” đạt được số view “siêu to khổng lồ” trên Youtube.