Đây là một trong những nội dung gây tranh cãi tại phiên họp thứ năm của UBTV Quốc hội ngày 10-1.
Với khoảng 12.000 xác chết do tai nạn giao thông hàng năm, đại diện Bộ Công an lo ngại ngành đội ngũ giám định pháp y của y tế sẽ không thể đảm đương.
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng trung tâm pháp y ở các tỉnh hoạt động rất tốt, và thống nhất giao công tác giám định cho y tế là tốt nhất.
PGS.TS Trần Văn Liễu, Chủ tịch Hội Pháp Y học VN ủng hộ quan điểm này khi cho rằng, mổ tử thi là một công việc vô cùng phức tạp, trong nhiều trường hợp chỉ có cán bộ pháp y của ngành y tế mới thực hiện được.
Ngược quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, nhiều vụ việc nhân viên giám định pháp y của y tế không có chuyên môn về điều tra tội phạm sẽ khó thực hiện.
“11 - 12.000 xác chết TNGT hàng năm mà cứ để cho các đồng chí đi mổ thì không biết bao giờ các đồng chí mới đến hiện trường… Một năm 70 - 80.000 vụ án mà xóa công tác pháp y trong cơ quan công an cấp tỉnh thì thật phi lý, nguy hiểm” - Vị đại diện Bộ Công an bổ sung thêm. Ông cũng phản đối tư nhân hóa công tác giám định pháp y do đây là một công việc đặc biệt quan trọng, nguy hiểm.
Trước những ý kiến này, UBTV Quốc hội đề nghị UB Tư pháp thành lập đoàn liên ngành đi thực tế công tác giám định pháp y tại các địa phương để có báo cáo trước kỳ họp Quốc hội.
Có thể cấm quảng cáo rượu 30 độ trở lên
Bàn về Dự thảo Luật Quảng cáo, có nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng nên cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 30 trở lên. Trong khi đó một số ý kiến lại đề xuất nên cấm từ 15 hoặc 25 độ. Trên thực tế, trong thông tư của Bộ Văn hóa và Thông tin (cũ) đã có một số quy định về quảng cáo dành riêng cho rượu có độ cồn từ 15 độ trở xuống và trên 15 độ.