Nhiều hệ lụy
“Các bệnh nhân COVID-19 chịu nhiều di chứng và hiện tại còn 300 bệnh nhân đang nằm ở Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM”, BS Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM cho biết. Theo BS Thanh, những di chứng để lại cho người bệnh sau khi nhiễm SARS-CoV-2 gồm mệt mỏi, khó thở, đau ngực, rối loạn nhận thức, đau khớp, suy giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt với người bệnh nặng, tuổi cao, có bệnh đi kèm.
TS tâm lý Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, cho rằng, ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch COVID-19. Các rối loạn, vấn đề sức khoẻ tâm thần khởi phát ngay trong dịch như cảm xúc âm tính, nhận thức tiêu cực, trầm cảm, lo âu, hoảng sợ, ám sợ, triệu chứng cơ thể, tự sát... Các rối loạn tâm thần có thể kéo dài, khởi phát kể cả sau dịch đến 2-9 năm gồm trầm cảm, ám ảnh, sợ hãi… “Do đó, cần chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong và sau đại dịch COVID-19. Thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng về COVID-19 và sức khoẻ tâm thần, cân nhắc giãn cách xã hội, cách ly y tế quá dài; hạn chế điều trị nội trú”, TS Công nói.
PGS.TS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn BV Tâm Anh, cho rằng, cuộc sống không chỉ có bệnh dịch mà còn có bệnh mạn tính, bệnh cấp tính và nhiều bệnh lý khác, rất cần được điều trị dù trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra. Tuy nhiên, dịch diễn biến phức tạp, có quá nhiều người mắc khiến những người có bệnh lý khác không dám đi khám hoặc cơ sở y tế bị quá tải. “Chúng tôi đưa ra khuyến cáo, những bệnh nhân mắc bệnh cấp hay bệnh lý thì vẫn nên đến bệnh viện, không nên chờ hết dịch mới đi khám bệnh, vì không ai biết COVID-19 khi nào hết”, ông Bính nói.
Đừng để người bệnh bơ vơ
Nhận định về các giải pháp chuyên môn, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, các giải pháp cần được thực hiện chặt chẽ là ngăn chặn để kiểm soát dịch xâm nhập qua biên giới. Tiếp đó, cần phát hiện các ca nhiễm qua công tác xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và tiến đến cách ly bằng các hình thức tập trung hoặc tại nhà. “Việc phong tỏa, cách ly y tế khu vực cần được tiến hành theo nguy cơ với nguyên tắc là nguy cơ đến đâu thì phong toả đến đó. Cố gắng thu hẹp vùng phong tỏa nhất có thể, tránh tình trạng “ngoài chặt trong lỏng” và đảm bảo an sinh xã hội”, ông Phu nhìn nhận.
Nguy cơ làn sóng dịch thứ 5
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết, mặc dù dịch bệnh đã qua giai đoạn đỉnh cao, nhưng tình hình thế giới hiện nay vẫn đang căng thẳng, nguy cơ trong nước có thể sẽ chưa thể chấm dứt được hoàn toàn dịch. Vì thế, nhiệm vụ số 1 trong giai đoạn hiện nay là thực hiện nghiêm khắc các biện pháp 5K, phòng chống dịch. “Chúng ta đề ra mục tiêu sống chung với dịch, nhưng sống chung như nào để an toàn, đảm bảo cho đời sống của người dân là vấn đề cần sự chung tay của cả người dân, của y bác sĩ và của hệ thống chính quyền. Việt Nam luôn hiện hữu nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 nếu buông lỏng cảnh giác”, ông Khuê nói.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nói rằng, lỗ hổng chưa từng có qua đợt dịch vừa qua và sự quá tải của dịch bệnh với người làm truyền nhiễm là hết sức bình thường, nhưng đối với người làm nội khoa, làm chuyên khoa không thấy được. “Có những lúc không nghe người bệnh, không biết người bệnh thiếu cái gì, cần cái gì. Do đó, tôi lập ra các trang fanpage để hỗ trợ họ. Cũng may là qua nhóm F0 đó, chúng ta tiếp nhận được sự chia sẻ của người bệnh, đó là điều quan trọng hơn nhiều so với những gì bác sĩ nhìn thấy. Bởi vì cuộc chiến này tâm lý diễn ra như nhau, sự cô đơn, bất lực, bơ vơ”, BS Khanh nói. Theo ông cần nhìn lại cuộc chiến để thấy được những điều chưa làm được và đừng để nó tiếp tục xảy ra.
Từng là bệnh nhân F0, anh Hoàng Tuấn Anh, “cha đẻ” ATM gạo, ATM ô xy tâm sự: “Trong thời gian làm ATM ô xy, tôi đã tiếp xúc với nhiều F0 ở các bệnh viện. Ngay thời điểm giãn cách, tôi và con đều trở thành F0. Tôi còn ở chung với người cha đã 80 tuổi. Khi được các bác sĩ tư vấn, người lớn tuổi là đối tượng có nhiều nguy cơ nếu trong gia đình có người mắc F0, tôi đã đưa vợ con sang nơi khác để ở và điều trị bệnh. Do tôi là người đã từng mắc bệnh nên hiểu rất rõ nếu F0 không được giúp đỡ về lương thực, tiếp tế ôxy thì cảm thấy rất bế tắc”.
Về vấn đề kết hợp Đông, Tây y vào điều trị bệnh nhân F0, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp, cho biết, khi chúng ta sinh ra vốn đã có hệ miễn dịch tự nhiên, còn hệ miễn dịch đặc hiệu nhờ vắc xin để hình thành. Y học cổ truyền có vai trò giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên, hỗ trợ tích cực, tăng sức đề kháng, giúp chúng ta vượt qua đại dịch. “Hiện nay, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng y học cổ truyền trong các phác đồ điều trị COVID-19. Đây là điều rất đáng mừng nhưng thực sự còn đó nhiều khó khăn vì y học cổ truyền mang tính cá thể trên mỗi cơ địa, nghĩa là cùng một biểu hiện bệnh nhưng cách điều trị có thể khác nhau. Tuy nhiên, cứu người như cứu hỏa, với tác dụng hỗ trợ hoạt động miễn dịch giúp tăng sức đề kháng đã được chứng minh, các vị thuốc - bài thuốc y học cổ truyền là vũ khí tăng cường cho thầy thuốc chọn lựa trong điều trị chống lại SARS-CoV-2”, bà Bay nói.
Bà Phúc Tâm, người sáng lập dự án cộng đồng “Bầu trời bên trong”, CEO Công ty Cổ phần ATZ Life, chia sẻ: “Trong thời gian qua, có rất nhiều người liên quan đến vấn đề sang chấn tâm lý do dịch. Do đó, chúng tôi đã tạo ra nhiều chương trình livestream hướng dẫn cho những thành viên về nội động lực, tư vấn chuyên sâu, kiểm tra trạng thái suy nghĩ, lập trình trạng thái thói quen, hiểu về nền tảng tư duy tích cực…, giúp họ thiền định, chuẩn bị sẵn sàng tâm thái khi sống chung và cùng vượt qua đại dịch”.
TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, cho biết, theo thống kê, trên thế giới hàng năm có khoảng 15 triệu người đột quỵ, riêng tại Việt Nam có 200.000 ca. Trung bình mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ và mỗi 3 phút có một người tử vong. Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam cao hơn thế giới. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế đứng hàng thứ nhất trong tất cả các bệnh. “Số lượng bệnh nhân đột quỵ trẻ gia tăng rất nhanh, hiện nay bệnh nhân đột quỵ dưới 40 tuổi đã chiếm 5% trong số bệnh nhân đột quỵ. Điều trị đột quỵ là vấn đề của cả cộng đồng, nếu bỏ qua việc này do COVID-19 là số lượng tử vong sẽ tăng cao trong tương lai”, BS Cường nói.