Có lẽ cũng vì mong muốn xoá bỏ những thủ tục nhiêu khê, phiền hà và thái độ sách nhiễu hàng ngày của không ít cán bộ, công chức.
Những ai đã một lần phải đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, làm các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư xây dựng, các thủ tục về ngân sách, thuế, đăng ký kinh doanh…thì đều không tránh khỏi những ám ảnh không mấy tốt đẹp. Một chiếc xe máy xuất xưởng chính hãng đầy đủ giấy tờ đi đăng ký; muốn làm thủ tục nộp bổ sung tiền sử dụng đất cũng phải vòng vèo qua nhiều cửa, phải chầu chực nhiều ngày. Nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân vì không đủ thời gian, không chịu được áp lực nơi công quyền nên thường chọn giải pháp “bôi trơn”, chấp thuận chi phí “dịch vụ”.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định việc sáp nhập một số sở ngành tại các tỉnh thành là thực sự cần thiết. Ông Phúc cho rằng: “Các nước phát triển chỉ có 12- 15 bộ, ngành thôi mà sao quản lý tốt thế, kinh tế rất phát triển? Còn chúng ta có đến 22 bộ, ngành, rồi địa phương nào cũng đầy đủ ban bệ, nhưng người dân vẫn cứ kêu ca về chất lượng phục vụ, chưa kể đó còn là sự tốn kém về chi phí nuôi bộ máy”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia lo ngại nhất là khả năng hiện thực hóa chủ trương nêu trên khi mà thực tế vẫn còn vô số các ví dụ về tình trạng “đặc thù”, “đặc quyền” trong cải cách hành chính, trong sắp xếp nhân sự. Hàng loạt vụ bổ nhiệm “thần tốc” vừa diễn ra tại Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tỉnh Hải Dương… khiến dư luận ngỡ ngàng.
Ngay như trong giám sát của Quốc hội mới đây tại Bộ GD&ĐT thì số viên chức được giao là 35.077, số người cần giảm là 3.507, song con số thống kê ở thời điểm 12/2016 là 32.900 người, vẫn cao hơn mục tiêu đặt ra là 1.330 người. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng thừa nhận, tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động trong các đơn vị là lớn và “hứa” giảm 54 cán bộ lãnh đạo cấp phòng. Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội ngày 28/3, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã thẳng thắn: “Trước đây biên chế không phải ông bộ trưởng quyết mà là vụ quyết. Tỉnh nào xin khéo thì được nhiều, còn Hải Dương chân chất nên không xin được”!
Nói như vậy để thấy, ngay cả khi chủ trương đúng nhưng không làm quyết liệt, thậm chí còn tồn tại đầy rẫy những “ngoại lệ”, xin -cho thì cải cách hành chính rất dễ lại rơi vào kiểu sáp nhập cơ học “bình mới rượu cũ” chạy theo phong trào mà thiếu đánh giá cụ thể về tiết kiệm chi phí, thời gian bao nhiêu cho từng người dân và doanh nghiệp!