Sáng 16/11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, HĐXX xét xử Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo khác trong vụ đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục xét hỏi các bị cáo làm dịch vụ trung gian thanh toán và mua bán hóa đơn trái phép, giúp sức hoạt động đánh bạc.
Trong nhóm này, Lê Thị Lan Thanh - GĐ Cty GTS có vai trò quan trọng trong việc hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Cty CNC của bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Cụ thể, Lê Thị Lan Thanh đã mua 160 tờ hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số hơn 5.135 tỷ đồng, mặt hàng thể hiện trên hóa đơn là thẻ cào có mệnh giá từ 10.000 đến 500.000 đồng do các nhà mạng Viettel, Mobifone, VinaPhone phát hành.
Các hóa đơn này để kê khai thuế đầu vào tại 5 Cty do bị cáo Thanh thành lập và trực tiếp điều hành gồm Cty CP viễn thông và giải trí số Việt Nam, Cty THHH phát triển dịch vụ và giải trí Đất Việt, Cty THHH truyền thông BIBO, Cty CP công nghệ và dịch vụ NETVIET, Cty TNHH công nghệ thương mại và truyền thông Tam Giác.
Ngoài mua bán hóa đơn trái phép, Cty GTS của Thanh còn là đại lý cho các nhà mạng Viettel, Mobifone, VinaPhong, làm cổng trung gian thanh toán gạch thẻ. Tại tòa, bị cáo cho biết không trực tiếp làm hồ sơ thủ tục với các nhà mạng, phải nhờ người khác làm vì bản thân không am hiểu nhiều về các nhà mạng.
Bị cáo Lê Thị Lan Thanh.
Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống đã mua, bà Thanh chỉ đạo Nguyễn Thị Dung - nhân viên Cty GTS thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của 5 Cty đến tài khoản các Cty nơi bị cáo mua hóa đơn.
Sau khi kết nối kỹ thuật với Cty VTC Online của Phan Sào Nam, Lê Thị Lan Thanh thỏa thuận với Nguyễn Quốc Tuấn ( thuộc Cty CNC) và Phạm Tuấn Anh (thuộc Cty VTC Online) về thời hạn thanh toán và bị cáo là người trực tiếp đứng ra đối soát.
Điều tra xác định, Lê Thị Lan Thanh được hưởng lợi bất chính từ hành vi giúp sức tổ chức đánh bạc hơn 182 tỷ đồng. Tại tòa, bà Thanh phủ nhận được hưởng số tiền lớn như vậy nhưng cũng không nhớ số tiền cụ thể mình kiếm được từ việc làm cổng trung gian thanh toán cho các nhà mạng và mua bán hóa đơn trái phép.
Chủ tọa cho rằng bị cáo là người quản lý Cty nên phải biết được hưởng lợi bao nhiêu. Bị cáo Thanh đáp: “Vì là Cty của riêng bị cáo nên không tính toán được hưởng lợi bao nhiêu, thời gian ngồi tính toán xem mình hưởng lợi bao nhiêu thà làm việc việc còn hơn”.
Theo bị cáo, bản thân là người kinh doanh nên chỉ mải mê chạy theo lợi nhuận. Trước câu hỏi của chủ tọa về việc tại sao không đặt câu hỏi tại sao không để đối tác tự làm, phải thông qua trung gian, Lê Thị Lan Thanh cho rằng: "Không có đủ thời gian để suy nghĩ xem người ta có khả năng hay không mà phải hợp tác với mình".
Cũng tại tòa, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ đã công bố đoạn chat Skyper trong ngày 10/1/2017 giữa nick name có tên “hồ gươm sim đẹp” được cho là của Lê Thị Lan Thanh và Nguyễn Tuấn Anh ( thuộc Cty VTC Online). Cụ thể:
- hoguom simdep: Chúng nó đến tận nhà xin tí “tiết” thì chết
- Phạm Tuấn Anh: Vâng, nên chị thấy game bên em nó chơi đông và hung hãn như thế. Vì có cái uy tín chị ạ. Với cả chị em mình làm đầu nạp, dù sao rủi ro cũng ít nhất.
- hoguom simdep: Ừ. Chỉ sợ game bị đóng, nó truy doanh thu hoặc tạm dừng thanh toán đầu nhà mạng. Lo nhất chuyện đó thôi. Nó phi công văn sang thẳng nhà mạng bắt dừng đối soát.
- Phạm Tuấn Anh: Không, nó không chơi kiểu đó đâu chị.
- hoguom simdep: Có thể lắm chứ.
Theo cơ quan tố tụng, nội dung đoạn chat cho thấy bị cáo Thanh biết rõ việc cổng game RikVip chưa được cấp phép và lo sợ cổng game bị đóng và bị truy thu hoặc tạm dừng thanh toán. Tuy nhiên, trước HĐXX, Lê Thị Lan Thanh phủ nhận việc giúp sức hoạt động đánh bạc, cho rằng nick “hồ gươm sim đẹp” nói trên là nick dùng chung ở Cty nên có thể người khác đã chat.