Cụ thể, ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ khai mạc phiên xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Rửa tiền”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Đánh bạc”; “Tổ chức đánh bạc” và “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Liên quan đến vụ án này, ngày 31/8/2018, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 02/KSĐT-P2 đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội “Đưa hối lộ” Căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự là trong quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; Cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Tuy nhiên, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu... và không nhận tiền. Đến nay, CQĐT chỉ khẳng định việc bị cáo Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, không có căn cứ làm rõ việc các ông Vĩnh, Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương nên đã tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau.
Cáo trạng kết luận: Thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước..., ngày 31/8/2018, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 02/KSĐT-P2 đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội “Đưa hối lộ” Tương tự, bị cáo Lưu Thị Hồng - TGĐ Cty CNC cũng được miễn truy cứu về tội “Đưa hối lộ” vì lý do thực hiện chính sách khoan hồng. Bà Hồng khai từng tặng 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50, người nhận là ông Võ Tuấn Dũng - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, xây dựng các thủ tục thành lập Cty bình phong. Lưu Thị Hồng đã chủ động khai báo việc này tại CQĐT.
Liên quan đến tình tiết trên, trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Cty TNHH luật Trường Lộc cho rằng, cơ sở pháp lý chế định miễn trách nhiệm hình sự xuất phát từ cơ sở của trách nhiệm hình sự. Tức là hành vi phạm tội của người phạm tội, song do có những điều kiện mà luật định để có thể được miễn trách nhiệm hình sự nên người phạm tội trong trường hợp đó được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, miễn trách nhiệm hình sự chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội. Không thể miễn trách nhiệm hình sự đối với người không phạm tội hoặc không đủ căn cứ để xác định được hành vi của người đó là hành vi phạm tội, luật sư Tuấn nói.
Luật sư Tuấn dẫn chứng tại Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn phân tích, so với quy định tại Điều 25 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điều 29 BLHS năm 2015 đã quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo hướng chi tiết hơn và cụ thể hơn rất nhiều. Cụ thể, khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 quy định người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong hai căn cứ sau: Một là khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Hai là khi có quyết định đại xá.
Như vậy, gặp hai trường hợp này, cơ quan tố tụng bắt buộc phải miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự (không bắt buộc) khi có một trong ba căn cứ: Thứ nhất khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ hai khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ ba là người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Riêng căn cứ thứ ba này, cần hết sức chú ý đến các liên từ “và” mà nhà làm luật đã “sắp xếp” một cách rất khoa học, theo hướng khi áp dụng vào thực tiễn phải bảo đảm sự chặt chẽ các “điều kiện” được đặt ra. Như vậy, khi gặp một trong ba trường hợp này, cơ quan tố tụng có thể được miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, khi người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chế định quan trọng trong luật hình sự nước ta, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, luật sư Tuấn nói.