Xét xử vụ buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị: Trả hồ sơ điều tra bổ sung

TP - Yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ bốn nội dung: Nguồn gốc lô gỗ, mâu thuẫn trong các bản giám định khối lượng lô gỗ, dấu búa kiểm lâm đóng trên lô gỗ và hơn 2 tỷ đồng tiền bán lô gỗ được chuyển cho Tổng cục Hải quan.

Phòng xét xử đông chật người theo dõi phiên tòa. Ảnh: Sáu Nghệ

Buổi sáng, tòa tập trung làm rõ trách nhiệm các bị cáo là công chức hải quan. Lời khai tại tòa cho thấy: Gỗ nhập từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chở trên 13 chiếc xe tải, gồm 5 xe biển số Lào, 8 xe biển số Việt Nam, có hợp đồng và bản kê khai hải quan đầy đủ. Thuế VAT của lô gỗ tạm nhập, đóng vào cơ quan thuế hơn 3,2 tỷ đồng.

Theo các bị cáo, đây là hàng không cấm xuất nhập khẩu nên không cần kiểm tra. Tuy nhiên, do gỗ tạm nhập tái xuất nên Hải quan Quảng Trị tổ chức kiểm hoá 5% lô hàng. Sau đó, gỗ được đóng vào 22 container, xuống tàu ở cảng Đà Nẵng. 21 container đã vào cảng và đang bốc xuống tàu. Còn 1 container trên đường đi bị Công an quận Ngũ Hành Sơn chặn lại khám xét. Sau đó Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm tra toàn bộ lô gỗ, phát hiện lẫn lộn hơn 20 m3 thanh gỗ giáng hương.

Buổi chiều, tòa tập trung thẩm vấn đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan. Về khối lượng lô gỗ: Quyết định thu giữ hàng hóa ngày 12/4/2012 của Cục Điều tra là hơn 453 m3; giám định lần thứ nhất có kết quả như con số thu giữ; nhưng giám định lần thứ hai lại ra 614,672 m3. Tòa hỏi, căn cứ nào để sử dụng một con số buộc tội? Đại diện quý Cục ba người không ai trả lời được.

Vấn đề quan trọng nhất là thiệt hại của vụ án, kết luận điều tra và cáo trạng chưa chứng minh được. Chủ tọa hỏi, thực tế xảy ra chưa, thiệt hại bao nhiêu? Đại diện Cục Điều tra không trả lời được.

Diễn biến phiên tòa cho thấy thiệt hại rõ nhất lại do vụ án gây ra cho Cty Ngọc Hưng. Bị cáo Trương Huy Liệu khai, lô gỗ theo thời giá mấy trăm tỷ đồng đã bị CQĐT bán chỉ hơn 63,6 tỷ đồng. “Đang quá trình điều tra vụ án mà bán tang vật là sai. Lô gỗ này chỉ tòa án mới có quyền cho bán”, đại diện Cục Hải quan TP Đà Nẵng phát biểu tại tòa.

Còn có thiệt hại nhân mạng. Chủ tọa hỏi bà Dung (vợ ông Liệu) về di thư cháu bà để lại. Bà Dung khai, cháu bà là Trần Đình Quang, 26 tuổi, làm việc trong Cty Ngọc Hưng, sau khi gặp điều tra viên về đã tự tử, để lại lá thư viết rằng bị điều tra viên Trần Văn Dũng ép ký vào những lời khai viết sẵn, không đúng sự thật, cho rằng Cty Ngọc Hưng mua lô gỗ ở Lào bằng hồ sơ giả mạo. “Bản chính di thư ấy công an thu giữ, tôi chỉ còn bản photo”, bà Dung nói.