Xét xử vụ án xảy ra ở Đồng Tâm

TP - Nhóm bị cáo trong vụ án ở Đồng Tâm đã bắt giữ công an, cản trở các cuộc họp của chính quyền và đe dọa sẽ sát hại từ 300 đến 500 người... nhằm đòi sử dụng đất quốc phòng. Thực tế, đã có 3 cảnh sát bị tưới xăng, thiêu đến than hóa toàn thân. 
Toàn cảnh phiên toà sáng nay 7/9

Dọa giết 300 - 500 công an

 Sáng 7/9, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ án sát hại 3 chiến sĩ công an xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Hội đồng xét xử gồm 5 người do thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó chánh Tòa Hình sự tòa án Hà Nội làm chủ tọa. Thực hành công tố và kiểm sát xét xử có 2 kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội. Có 32 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, đương sự.

Trong vụ, có 25 người bị truy tố về tội “Giết người” theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình và 4 người bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 2, Điều 330 với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. 

Tại cáo trạng, Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, dù biết rõ đất khu đồng Sênh ở xã Đồng Tâm là đất quốc phòng nhưng các bị cáo vẫn lấn chiếm, đòi sử dụng. Từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (SN 1936, ở thôn Hoành) đã cùng các bị cáo Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu… lập “Tổ đồng thuận” nhằm chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau. Nhóm người này thường xuyên lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền sai sự thật về nguồn gốc đất… Từ năm 2017 đến 2020, ông Kình đã chỉ đạo “Tổ đồng thuận” và nhiều đối tượng khác tiến hành gây rối trật tự, thậm chí bắt giữ hơn 34 cán bộ, chiến sĩ công an và một số nhân viên của các cơ quan hành chính địa phương. 

“Tổ đồng thuận” còn gây rối, ngăn cản các cuộc họp của chính quyền địa phương, đe dọa những người đồng tình với chính quyền đồng thời tích cực chuẩn bị bom xăng, lựu đạn, pháo… để chống trả nếu bị cưỡng chế. Cơ quan truy tố cũng cho rằng, ông Lê Đình Kình cùng các bị cáo trong vụ còn tổ chức quay video, phát trực tiếp trên mạng xã hội và tuyên bố nếu công an đưa lực lượng về Đồng Tâm sẽ bị tiêu diệt từ 300 người đến 500 người. Tại một cuộc họp, ông Lê Đình Kình chỉ đạo: “Chỉ cần giết được 3 thằng là nó chạy hết”.

Bị cáo Lê Đình Công (con trai ông Lê Đình Kình) bị truy tố về tội giết người

Thiêu chết cảnh sát

 Rạng sáng 9/1/2020, khi thấy cảnh sát tiến hành chốt cổng thôn Hoành để bảo vệ mục tiêu, một số bị cáo đã đánh kẻng báo động. Viện kiểm sát khẳng định, các bị cáo đã bắn pháo về phía lực lượng chức năng; đứng trên mái nhà dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công cảnh sát. Tổ công tác đã nhiều lần dùng loa kêu gọi các đối tượng dừng vi phạm nhưng nhận lại là sự chống đối quyết liệt. Thậm chí, các bị cáo nhiều lần ném lựu đạn về phía lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ nhưng không nổ.

Các cảnh sát Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân di chuyển trên mái nhằm vào nhà Lê Đình Chức đã bị người này dùng tuýp sắt gắn dao bầu chọc xuống. Các ông Thịnh, Huy, Quân sau đó không may rơi xuống hố ở gần nhà ông Lê Đình Kình. Lập tức, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh đổ xăng xuống hố, châm lửa và mỗi khi lửa gần tắt lại tưới thêm xăng xuống dưới rồi nói với nhau “Thơm nhở”, đồng thời khoe khoang việc này với đồng bọn. Cả 3 cảnh sát đều tử vong do ngạt khí và cháy than hóa toàn thân.

Ngoài ra, một lực lượng khác áp sát nhà ông Lê Đình Kình và cũng nhận sự chống trả quyết liệt. Cơ quan truy tố cho rằng, khi cảnh sát phá khóa cửa ngách nhà ông Kình đã thấy ông cầm 1 quả lựu đạn và hô hào chống đối. Vì vậy, một cảnh sát đã nổ súng, bắn khiến ông Lê Đình Kình bị thương và sau đó tử vong. 

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Sau vụ án, vợ ông Kình và một số công dân khác đề nghị khởi tố vụ án “Giết người” điều tra việc ông bị chết. Tuy nhiên, cơ quan điều tra khẳng định cảnh sát đã đúng luật khi bắn hạ ông Lê Đình Kình nên không có căn cứ để khởi tố.