Xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm: Không có vùng cấm

TP - Việc đưa ra xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, cho thấy quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Đồng thời cũng cho thấy việc xử lý tham nhũng không có vùng cấm, dù đó là người có chức vụ, hay một người dân bình thường.
Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ảnh: TTXVN.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều ý kiến đều có chung nhận định, việc đưa ra xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, cho thấy quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Đồng thời cũng cho thấy việc xử lý tham nhũng không có vùng cấm, dù đó là người có chức vụ, hay một người dân bình thường. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

“Có công thì hưởng, có tội thì xử”

Đưa ra xét xử một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, một cán bộ cao cấp như vậy thì không chỉ thu hút sự chú ý của công luận trong nước mà còn có sự quan tâm của cả dư luận quốc tế. Họ luôn theo dõi, coi cách làm và mức độ xử lý hành vi  sai phạm, tham nhũng của chúng ta thế nào. Điều này cũng cho thấy sự bình đẳng, công bằng với tất cả mọi người trước pháp luật, dù đó là người có chức vụ, hay một người bình thường.

Đây cũng là một bài học đối với các cán bộ đảng viên có chức quyền dù to hay nhỏ, để cảnh tỉnh cho những ai đã nhúng chàm, hoặc chưa nhúng chàm phải có ý thức tỉnh ngộ, không thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng, làm lũng đoạn ngân sách, lũng đoạn kinh tế quốc gia. Khi tay nhúng chàm thì phải bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật để răn đe, tạo sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Tôi mong muốn phiên tòa này sẽ được xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, không bao che, không dung túng. Có công thì hưởng, có tội thì trừ, cân đong đo đếm công tội cho đầy đủ, rõ ràng theo quy định của Bộ Luật hình sự. Đây là một vụ án trọng điểm liên quan đến cán bộ cấp cao, nên việc xét xử phải đảm bảo công bằng, có đầy đủ chứng cứ, lập luận chặt chẽ để luận tội. Trên cơ sở đó đưa ra hình thức, mức phạt cho rõ ràng, cụ thể, công tâm.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Xử lý triệt để vụ án

Việc đưa ra xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh càng khẳng định quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác cũng khẳng định, phòng chống tham nhũng không có vùng cấm. Điều này sẽ càng củng cố lòng tin của nhân dân và cử tri trên cả nước.

Tôi hi vọng qua vụ xét xử này, sẽ mở rộng điều tra vụ án, tìm ra được những manh mối mà lâu nay chúng ta chưa biết được, từ đó đưa ra xử lý một cách triệt để, thấu đáo. Bởi việc thất thoát tài sản nhà nước lớn như vậy không phải chỉ một người mà phải là một nhóm người, nhóm lợi ích. Vụ việc này cũng là một bài học trong công tác quản lý nhà nước, trong thanh tra kiểm tra, nếu phát hiện và xử lý kịp thời thì không đến mức bị mất nhiều cán bộ, nhiều tài sản như vậy.

Phòng chống tham nhũng không chỉ xử lý về con người mà quan trọng là cần thiết phải thu hồi cho được tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có. Chúng ta đã có những bài học rất đắt giá về việc tẩu tán tài sản trước khi vụ án đưa ra xét xử. Chính vì thế cần phải rút ra được bài học trong quá trình tố tụng, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tẩu tán tài sản, đồng thời ngăn chặn, không để đối tượng trốn ra nước ngoài như vừa qua.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4:

Quyết tâm rất cao trong việc đẩy lùi tham nhũng

Việc đưa ra xét xử vụ án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cho thấy một quyết tâm chính trị rất cao trong việc đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Tôi mong muốn và cũng tin rằng, phiên xét xử này sẽ được thực hiện nghiêm minh, không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai, nhưng cũng phải đảm bảo tính nhân văn, công tội rõ ràng.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam:

Niềm tin của dân với đảng được củng cố

Mặc dù, Đảng đã nhiều lần thực hiện các cuộc chỉnh đốn, ngăn chặn nhưng kết quả đạt được vẫn phần nào còn hạn chế, tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những bức xúc lớn nhất của người dân. Phải đến Đại hội lần thứ 12 của Đảng, nhất là sau Hội nghị Trung ương 4 thì cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực mới được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thông qua các vụ án, vụ việc, liên quan những người có chức, có quyền, không chỉ là  Ủy viên Trung ương mà còn cả Ủy viên Bộ Chính trị.

Việc tòa án đang tiến hành xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ trong vụ án “Cố ý làm trái..., Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là một minh chứng cho thấy công tác phòng chống tham nhũng, tiệc cực đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Còn nhớ, khi Ban Chấp hành T.Ư kỷ luật ông Đinh La Thăng và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị cũng có ý kiến băn khoăn, thắc mắc: Sao không xử lý hình sự? Phải chăng vẫn còn vùng cấm này, vùng cấm kia...? Nhưng với việc khởi tố, bắt giam, đưa ông Đinh La Thăng ra xét xử cho thấy, việc xử lý cán bộ sai phạm là “không có vùng cấm”. Tất cả mọi cán bộ, dù quyền cao, chức trọng đến đâu nhưng đã bị vi phạm thì đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, bình đẳng như tất cả các trường hợp khác. “Vùng cấm” trong xử lý tham nhũng, tiêu cực là không có, và cũng chẳng có chuyện “cứ về hưu là hạ cánh an toàn”, mất chức là thôi bị trách nhiệm hình sự.

Điều quan trọng hơn nữa là thông qua phiên tòa trên, niềm tin của nhân đối với Đảng, Nhà nước sẽ được củng cố, tăng cường. Quyết tâm và mục tiêu chỉnh đốn Đảng mà Trung ương 4 đã đề ra chắc chắn sẽ đạt được. Tình trạng suy thoái hóa, biến chất, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên dần được ngăn chặn và đẩy lùi...