Thị trường xuất khẩu lao động bắt đầu hồi sinh:

Xếp hàng 'đặc kín' làm thủ tục xuất cảnh

TP - Sau hơn một tháng các thị trường mở cửa trở lại, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu tăng nhanh. Các doanh nghiệp (DN) dồn dập lên kế hoạch đưa lao động xuất cảnh. Theo dự báo, nhu cầu tuyển dụng lao động của các nước trong thời gian tới rất lớn với nhiều ngành nghề có thu nhập tốt.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, sau khi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) thông báo tiếp nhận lao động Việt Nam, tại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, mỗi ngày có hàng trăm lao động xếp hàng dài đến làm thủ tục cấp visa.

Nhiều thị trường có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động với thu nhập hấp dẫn, mở ra cơ hội cho lao động Việt thời gian tới

Anh Nguyễn Tiến Hoàn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, dù đã hoàn thành khóa học tiếng Nhật cách đây gần 2 năm và bắt đầu làm các thủ tục, chờ đến ngày được cấp visa để xuất cảnh sang Nhật làm việc. Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài, không ít lần phía Nhật mở cửa rồi lại đóng khiến anh phải tạm hoãn lịch xuất cảnh.

“Từ đầu tháng 3, chúng tôi được công ty thông báo phía Nhật Bản mở cửa cấp visa trở lại. Sau khi chờ tiêm xong 3 mũi vắc xin phòng COVID - 19, tôi và một số bạn học bắt xe ra Hà Nội để làm thủ tục. Tất cả đều rất háo hức chờ ngày này. Chúng tôi mong lần này phía Nhật mở hoàn toàn để lao động yên tâm xuất cảnh”, anh Hoàn chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng, anh Trần Đức Thảo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, không thể quên được những ngày tháng bám trụ tại Hà Nội để chờ đợi sang Đài Loan làm việc. Năm ngoái, khi Đài Loan dừng tiếp nhận lao động nước ngoài do dịch bệnh bùng phát mạnh, anh đã làm rất nhiều công việc từ phục vụ trong các nhà hàng; làm công nhân thời vụ, đến chạy xe ôm công nghệ...để theo đuổi giấc mơ xuất ngoại.

Lao động xếp hàng dài chờ làm thủ tục xin cấp visa tại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc vào đầu tháng 4/2022. Ảnh: Đức Chánh

“Khi nhận được thông tin Đài Loan mở cửa đón lao động nước ngoài trở lại, tôi thấy nhẹ cả người. Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng tôi cũng cách Đài Loan chỉ một chuyến bay”, anh Thảo vui mừng nói khi vừa hoàn thiện hồ sơ xin visa.

Ông Nguyễn Thành Kính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Liên minh tiến bộ EK cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, công ty liên tục làm việc cả ngày nghỉ để hoàn thiện hồ sơ cho lao động xuất cảnh, đồng thời tuyển nguồn lao động mới cho các hợp đồng từ nay đến hết năm.

Theo ông Kính, kể từ khi thị trường Nhật Bản mở cửa trở lại, số lượng lao động của công ty đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh. Trong khoảng một tháng qua, công ty đưa hơn 100 lao động xuất cảnh và số lao động sẽ xuất cảnh trong thời gian tới dự kiến tăng lên gấp 3 lần hiện tại (khoảng hơn 300 lao động trong tháng 4). Còn trong tháng 5 và 6, công ty sẽ đưa hàng nghìn lao động xuất cảnh.

Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Sona cho biết, việc Nhật Bản và Đài Loan mở cửa đón lao động nước ngoài đến làm việc, giúp công ty thở phào nhẹ nhõm với số lao động tồn đọng 2 năm vừa qua. Trong tháng 3 và tháng 4, ưu tiên trước mắt của DN là đưa những lao động này xuất cảnh càng sớm, càng tốt.

Còn với những đơn hàng mới, ông Nam cho biết, nhu cầu của các thị trường rất tiềm năng. Thị trường Nhật mới đây thông báo tuyển dụng 200.000 lao động có tay nghề từ các nước Đông Nam Á, trong đó ưu tiên cho lao động thuộc lĩnh vực như nông nghiệp, điều dưỡng, chế biến thực phẩm, xây dựng…với mức lương từ 28 đến 35 triệu đồng.

“Nhu cầu của các thị trường vẫn rất tiềm năng. Như thị trường Nhật, mới đây thông báo tuyển dụng 200.000 lao động có tay nghề từ các nước Đông Nam Á, trong các ưu tiên lĩnh vực như nông nghiệp, điều dưỡng, chế biến thực phẩm, xây dựng…với mức lương từ 28 đến 35 triệu đồng”

Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Sona

Theo ông Nam, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều DN trong ngành phải rút lui khỏi thị trường. Các DN đang sắp xếp lại bộ máy nhân sự, đặc biệt là khâu tuyển dụng để đáp ứng đủ số lượng lao động cho đối tác. Thậm chí có không ít DN phải sáp nhập mới đủ sức hoạt động.

“Xu hướng chung là những DN làm ăn bài bản, uy tín sẽ trụ vững trên thị trường. Sắp tới đây, các DN cần đàm phán với đối tác làm sao để tiết giảm tối đa chi phí cho người lao động. Hiện tại, chúng tôi theo dõi sát các thông tin về tình hình dịch bệnh ở Nhật, đặc biệt là chính sách nhập cảnh và quản lý đối với thực tập sinh, để giúp người lao động cởi bỏ tâm lý e sợ khi đi làm việc ở nước ngoài”, ông Nam nói.

Tập trung vào thị trường tuyển lao động chất lượng cao

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo thống kê của các DN, tính đến nay số lao động đã được tuyển và đang chờ xuất cảnh là hơn 80.000 người (trong đó Nhật Bản khoảng 60.000 người, Đài Loan khoảng 13.000 người, Hàn Quốc khoảng 7.000 người và một số thị trường khác). Từ đầu tháng 3 đến nay, số lượng lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài đã lên tới hàng nghìn người và dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, để phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nước đang có nhu cầu tuyển dụng lượng lao động lớn. Từ năm nay, Nhật Bản chính thức mở rộng việc cho phép từ 66 lên 76 ngành nghề được tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài. Bên cạnh đó, Hàn Quốc vừa thông báo tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài lên 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021).

“Nước này cũng bổ sung đối tượng chuyển đổi sang visa lao động phổ thông E-9, cho phép du học sinh visa D-2 sau khi tốt nghiệp được chuyển đổi sang visa E-9 và làm việc lâu dài. Đặc biệt, từ ngày 1/4, lao động Việt nhập cảnh sang Hàn được miễn cách ly nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID - 19, đồng thời phía Hàn cũng gia hạn thêm cho lao động hết hạn hợp đồng ở lại làm việc thêm 1 năm”, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, cùng với các thị trường truyền thống, năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với Cộng hòa Liên bang Đức, Australia (Chương trình Visa nông nghiệp), Israel và một số thị trường châu Âu khác tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi làm việc tại những thị trường chất lượng cao.