Xem lịch sử Việt Nam qua tiền

TPO - Ngày 30/1, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp nhà sưu tập Đặng Lê Kim Hòa trưng bày triển lãm "Tiền Việt Nam qua các thời kỳ". Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lễ khai mạc triển lãm buộc phải hủy, chỉ tiến hành trưng bày các hiện vật.  
Bộ tiền Giải phóng Miền Nam Việt Nam
Hệ thống tiền Việt Nam đã có một lịch sử lâu đời và trải qua nhiều thời kỳ, có cả những thăng trầm và biến động lớn. Để giới thiệu đến công chúng một phần của lịch sử Việt Nam thông qua hệ thống tiền tệ trong hơn 10 thế kỷ, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với nhà sưu tập Đặng Lê Kim Hòa trưng bày triển lãm “Tiền Việt Nam qua các thời kỳ".
Hơn 300 hiện vật là tiền giấy và tiền xu qua các giai đoạn lịch sử từ thời phong kiến cho đến nay được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng (số 24 Trần Phú), từ nay đến ngày 28/2/2021.  

Lễ khai mạc triển lãm bị hủy do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhưng vẫn thu hút khá nhiều người đến thưởng ngoạn, sau khi tuân thủ các biện pháp phòng dịch 

Bắt đầu từ thời Đinh cho đến kết thúc thời kỳ nhà Nguyễn, các đồng xu được thể hiện trên giấy để ghi rõ niên đại, với những hiện vật được bảo quản rất kỹ lưỡng 

Năm 1940 với sự biến động chính trị ở chính quốc, Đệ tam Cộng hòa Pháp sụp đổ, bị thay thế bởi Chính phủ Vichy chủ trương hợp tác với Nhật Bản bên Đông Dương cho phát hành một loại tiền giấy mới. Loại tiền này in dòng chữ “Phủ Toàn quyền Đông Dương” (Gouvernement General de l’Indochine) thay vì “Banque  de l’Indochine” (Ngân hàng Đông Dương) như những tờ giấy bạc trước kia.

Mệnh giá 20 Piastre 1942 – 1945: Mặt trước kỳ đài và cửa chính Nam kinh thành Huế. Mặt sau: Tượng vua cùi ở đền Angkor.

Giai đoạn 1939-1945 thực dân Pháp lạm phát đồng tiền Đông Dương để vơ vét của cải nhân dân Việt Nam. Giai đoạn này Ngân hàng Đông Dương cho lưu hành bộ tiền IDEO phát hành 1939-1945 các mệnh giá tờ 5 cent và 10 cent (1942) dưới đây cùng seri do được in nhiều lần cho thấy mức độ lạm phát khủng khiếp, với giá sinh hoạt tăng gấp 25 lần. 

Bộ tiền Giải phóng Miền Nam Việt Nam (tiền Giải phóng), gồm 8 mệnh giá 10 xu, 20 xu, 50 xu, 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng và 50 đồng. Tờ 50 đồng 1966: Mặt trước in hình Công binh xưởng; mặt sau là hình máy cày gặt lúa. Tờ 10 đồng 1966: Mặt trước in hình 3 cô gái đại diện cho 3 miền; mặt sau là hình đồng bào Tây Nguyên;... 
Năm 1975, năm tuần sau khi đất nước giải phóng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tổ chức đổi tiền quy mô toàn miền Nam.
Năm 1985, khối lượng tiền cung ứng và tổng phương tiện thanh toán tăng lên nhanh chóng, gấp 35 lần, trong đó khối lượng tiền lưu hành tăng gấp 20 lần làm lạm phát trầm trọng, vật giá leo thang,.. Để thi hành chính sách Giá – Lượng – Tiền nhằm mục đích điều chỉnh và ổn định đồng tiền, Nhà nước quyết định đổi 1 đồng tiền mới bằng 10 đồng tiền cũ.  

Đợt đầu từ tháng 9/1985 đến 1986 phát hành các loại tiền giấy. Mặt trước luôn có Quốc huy và Quốc hiệu, mặt sau có hàng chữ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và năm in 1985 cùng hình ảnh đất nước.
Đồng tiền lưu niệm 100 đồng được sản xuất chất liệu cotton độ bền cao số 65 và cuốn sách cách điệu đánh dấu chặng đường 65 năm phát triển của ngành Ngân hàng trong sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân