Xem dân chạy sóng thần… giả định

TP - Tại biển Sơn Trà, Đà Nẵng, hôm qua, hàng ngàn người dân, học sinh, bộ đội… diễn tập ứng phó sóng thần quy mô lớn lần đầu tiên tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự và chỉ đạo.

Kịch bản khẩn cấp…

Cuộc diễn tập với sự tham gia của gần 5.000 người gồm lãnh đạo các cơ quan trung ương, Quân khu V, BCH PCLB 15 tỉnh, thành ven biển và lực lượng hải quân, công an, BĐBP, cảnh sát biển, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu, CS PCCC, lực lượng dân phòng cùng đông đảo giáo viên, học sinh và nhân dân Đà Nẵng. Có 2 máy bay trực thăng, 7 tàu hải quân, 45 thuyền các loại, 12 ca nô, 18 xe tải, 50 xe chuyên dụng như: cứu hỏa, cứu thương, xe thông tin, xe cẩu...và 137 xe mô tô được huy động.

Theo kịch bản ST- 11, lúc 8h5 phút ngày 18-10, Đà Nẵng nhận được thông báo của Trung tâm Báo tin động đất: Lúc 7h55 phút cùng ngày, tại khu vực phía tây đảo Luxon, Philippines, xảy ra trận động đất với cường độ 8,8 độ Richter, nguy cơ ảnh hưởng đến vùng biển miền Trung rất lớn. Dự kiến, sau 2,5 - 3 giờ, sóng thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Đà Nẵng với cột sóng cao khoảng 6m.

Kịch bản đưa ra, bắt buộc phải sơ tán 27.230 hộ dân/ 133.529 nhân khẩu thuộc 20 xã, phường của 5 quận, huyện ven biển. Cũng thời điểm này, có 6.500 khách du lịch trong và ngoài nước đang nghỉ ngơi ven biển; trên vùng biển có khoảng 75 tàu thuyền với 910 lao động đang hoạt động, 45 chiếc đang neo đậu trong cảng, cửa sông…

Với tình huống khẩn cấp, Ban chỉ đạo quyết định huy động tổng lực để tổ chức thông báo, sơ tán người dân và du khách đến nơi an toàn, ứng cứu tàu thuyền. Đưa người dân vào sâu trong đất liền từ 1-1,5km, hoặc lên độ cao 10m...

Mục tiêu chỉ trong vòng 7 phút phải cơ bản sơ tán dân và du khách đến nơi an toàn. Sau khi sóng thần kết thúc, tiếp tục huy động tổng lực khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, hướng dẫn, bố trí nơi ở tạm cho những người mất nhà cửa; cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, quần áo, nhu yếu phẩm cần thiết cho người bị thiệt hại…

Dân đủng đỉnh

Dù được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và quy mô, song buổi diễn tập vẫn mang nặng tính trình diễn và chưa tạo được hiệu ứng tâm lý tốt cho đa số người dân – những đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên, theo kịch bản cũng như thực tế nếu sóng thần diễn ra. Ban chỉ đạo ST–11 thẳng thắn thừa nhận thiếu sót và đó là những kinh nghiệm quý báu cho các buổi diễn tập tiếp theo.

Sau buổi diễn tập, Trung tướng Trần Quang Khuê – Phó Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho rằng, dù buổi diễn tập có những thành công nhất định, song điều quan trọng là người dân, đối tượng chủ yếu lại chưa được chuẩn bị kỹ. Người dân chạy sóng thần vẫn còn quá … thong dong, chưa quyết liệt và đặc biệt vẫn chạy tay không, chưa mang theo túi đựng đồ dùng cần thiết khi có sóng thần thật xảy ra.

Điều này Nhật Bản làm rất tốt, nhưng khi có sóng thần thật, thiệt hại vẫn nặng nề. Ông Nguyễn Thái Phiên – Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thẳng thắn: Kịch bản hoành tráng, có sự tham gia của các ban ngành, nhưng sự phối hợp giữa các ban ngành và địa phương chưa tốt.

Theo Báo giấy