Sau một thời gian kiên trì vận động, đến giữa tháng 7/2023, doanh nghiệp đã tự nguyện tháo dỡ, di chuyển phương tiện thủy cũ nát cuối cùng ra khỏi hồ Tây theo đúng thông báo của UBND TP Hà Nội về việc chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây. Đến nay, hồ Tây đã được trả lại vẻ đẹp thanh bình, phong quang được người dân, du khách đánh giá cao.
Theo đại diện UBND quận Tây Hồ, sau khi hoàn thành việc di dời tàu thuyền theo chỉ đạo của thành phố, quận tiếp tục triển khai loạt giải pháp để bảo đảm môi trường nước, như lên phương án nạo vét bùn lòng hồ, sục khí, thả bè thủy sinh... để từng bước làm sạch nước hồ.
Quận cũng chủ động nghiên cứu chỉnh trang hạ tầng quanh hồ như bố trí đèn điện chiếu sáng, đèn trang trí, cải tạo đường dạo, vườn hoa quanh hồ.
Về mục tiêu dài hạn, UBND quận Tây Hồ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận. Được biết, tại Thông báo 184/TP-VPUBND, thành phố đã giao UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; cùng phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam... để xin ý kiến chuyên môn, phản biện.
Đề án dự kiến được UBND quận Tây Hồ báo cáo thành phố trong thời gian tới, làm cơ sở để quản lý và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của hồ Tây, góp phần xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa theo đúng định hướng phát triển đã được Bộ Chính trị (khóa XIII) đặt ra tại Nghị quyết số 15/NQ-TƯ nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp cùng đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế xã hội tại 6 quận gồm: Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đưa ra ý tưởng xây dựng khu vực Hồ Tây với chức năng là trung tâm văn hóa, công cộng, phát triển du lịch, khai thác cảnh quan, trở thành điểm nhấn của Thủ đô Hà Nội. Khai thác tiềm năng to lớn (đặc biệt là tiềm năng về văn hóa) khu vực Hồ Tây góp phần phát triển Hà Nội xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại.
Song song là phát triển kinh tế nông nghiệp với đặc trưng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh. Duy trì và phát triển các sản phẩm đặc trưng: đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, sen và các sản phẩm từ sen hồ Tây… hình thành các mô hình kết hợp với du lịch, tham quan, đào tạo…