Trung Quốc:

Xây dựng bộ quy tắc cho quan chức để trị tham nhũng

TP - Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tập trung tăng cường kỷ luật trong hàng ngũ lãnh đạo sau khi hàng loạt quan chức cấp cao dính vòng lao lý về tội tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, báo Hong Kong South China Morning Post ngày 10/9 dẫn lời một cựu phó giám đốc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc. 
Phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Ảnh: Xinhua

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang xem xét việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử dành cho các quan chức cấp cao, báo Trung Quốc Southern Metropolis News ngày 9/9 dẫn lời vị cựu phó giám đốc tên là Li Junru.

“Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được phát động, đã nảy sinh vấn đề với các quan chức cấp cao như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh. Điều đó khiến Trung ương Đảng bắt đầu nghĩ về việc làm thế nào để quản lý các quan chức cấp cao của đảng và của đất nước”, ông Li nói. Ông Li đưa ra phát biểu trên tại một cuộc hội thảo về quản lý, do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Đương đại Trung Quốc tổ chức, với sự tham dự của 80 chuyên gia trong và ngoài nước.

Kết quả của việc xem xét lại là kế hoạch phác thảo một bộ quy tắc ứng xử dành cho 2.000 quan chức cấp cao, bao gồm 25 ủy viên Bộ Chính trị, ông Li cho biết bên lề hội thảo. “Các quan chức cấp cao, gồm cả lãnh đạo đảng, sẽ là đối tượng giám sát về kỷ luật đảng và luật pháp”, ông Li nói. Ông không cung cấp thông tin chi tiết về bộ quy tắc ứng xử đang được soạn thảo, nhưng các nhà phân tích nhận định, các quan chức cấp cao Trung Quốc sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, tập trung vào việc kiểm tra quyền lực của họ.

Chuyên gia Zhuang Deshui công tác tại Đại học Hành chính Bắc Kinh nói rằng, gia đình các quan chức cấp cao hưởng lợi từ sự thăng tiến của họ. “Do đó, vấn đề hạn chế quyền lực cũng cần đặt ra với những người xung quanh họ. Vợ con của các quan chức cấp cao không nên tham gia kinh doanh và các quan chức lãnh đạo phải tiết lộ công việc của người thân cũng như thu nhập của họ cho công chúng được biết”, ông Zhuang nói. Vấn đề là những quy định đó được áp dụng, thi hành như thế nào. “Các lãnh đạo hàng đầu phải tự làm gương. Vấn đề then chốt nằm ở các thành viên hạt nhân của Bộ Chính trị. Điều đó phụ thuộc vào việc họ có đủ quyết tâm chính trị để làm gương hay không”, ông Zhuang nhấn mạnh.

Ông Zhu Lijia thuộc Học viện Hành chính Trung Quốc cho rằng, trước hết, Đảng Cộng sản Trung Quốc nên đảm bảo việc thực thi những nguyên tắc cơ bản của hiến pháp, trước khi áp dụng những quy định đối với một nhóm cán bộ đặc thù. “Nếu như các quan chức cao cấp không thể hoàn thành nhiệm vụ của một đảng viên bình thường, thử hỏi làm sao họ có thể đạt được những tiêu chuẩn cao hơn cơ chứ?”, ông Zhu nói.

Reuters dẫn lời Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Vương Gia Thụy thừa nhận tình hình cuộc chiến chống tham nhũng “đang rất nghiêm trọng” và mối lo lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là khủng hoảng về tham nhũng sẽ đe dọa sự lãnh đạo của đảng. Nhưng ông Vương tin tưởng rằng, người dân sẽ ủng hộ cuộc chiến “đả hổ, diệt ruồi” hiện nay.