> Giá xăng tăng cao nhất trong lịch sử
> Làm rõ nguyên nhân 8 cây xăng tạm ngừng bán hàng
Trước đó, nhiều người cho rằng, người tiêu dùng đang gánh chi phí hoa hồng cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, hiện giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao, trong khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của các DN kinh doanh xăng dầu đã hết. Ngoài ra, giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít, dẫn đến tình trạng xuất lậu xăng dầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất vào ngày 28/8/2012, từ đó đến nay, giá xăng dầu thế giới tăng khá mạnh. Để giữ ổn định thị trường, Thủ tướng đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng linh hoạt trong việc giảm thuế để không phải tăng giá xăng dầu.
“Việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường trong thời gian tới là nhất quán. Cơ quan quản lý sẽ phải đảm bảo trích Quỹ Bình ổn giá sao cho không trích quá nhiều, cũng không trích quá ít, đảm bảo cân đối hài hòa”, ông Tú nói.
“Dân bức xúc là phải !”
Đó là khẳng định của một lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khi trao đổi với PV Tiền Phong tối muộn 28/3. Theo vị lãnh đạo này, ngay sau khi Bộ Tài chính thông báo tăng giá xăng dầu từ 8 giờ tối 28/3, đơn vị nhận được nhiều ý kiến phản đối từ phía người dân. Đa số người dân đều bức xúc với quyết định này.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, Bộ Tài chính biết thừa là hiện DN nào đang bán dưới giá thành quy định. “Thực sự, DN không thể chịu lỗ mãi được. Họ lấy đâu ra tiền để bù vì có phải ai cũng trường vốn đâu. Nếu cứ tiếp tục kinh doanh lỗ, làm sao doanh nghiệp chịu được trong khi buôn lậu xăng dầu đang gia tăng vì chênh lệch giá trong và ngoài nước”, vị lãnh đạo nói.
Theo vị lãnh đạo này, việc Bộ Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu là “không có sự lựa chọn nào khác”, vì thực tế, giá xăng một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Trung Quốc đang cao hơn Việt Nam.
Theo giám đốc một đơn vị thuộc Tổng Cty Dầu Việt Nam (PVOIL), việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tăng giá xăng dầu sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng trong nước. Tuy nhiên, theo vị giám đốc này, nếu không tăng, sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới gia tăng và Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chắc chắn chỉ số giá tiêu dùng trong tháng tới sẽ tăng. “Giá điện, giá xăng dầu đều tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi tăng giá, mọi thứ đầu vào sẽ tăng. Điều này càng làm cho DN khó khăn và đời sống người dân thêm khốn khó”, một chuyên gia kinh tế nói.
Theo chuyên gia này, điều khó hiểu là, tại sao Bộ Công Thương và Tài chính không để giá xăng dầu vận hành theo quy định tại Nghị định 84. “Nếu cứ đúng quy định tại Nghị định 84, giá xăng dầu không thể cứ tăng mãi như hiện nay. Vì thực tế, giá thế giới đã giảm trong suốt 20 ngày qua”, vị chuyên gia nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cùng với việc tăng giá các mặt hàng xăng dầu, liên bộ cũng quyết định khôi phục lợi nhuận định mức cho DN ở mức 300 đồng/lít, kg. Cùng đó, các DN ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các chủng loại xăng, dầu.