Xã hội hóa chứ không độc quyền hóa giao thông

TP - Trả lời chất vấn trước QH về chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông ngày 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, xã hội hóa không đồng nghĩa với tư nhân hóa. Không hề có chuyện độc quyền, vì quản lý giá chi phí, thu phí, nhà nước đều kiểm soát.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình). Ảnh: Như Ý.

Có đặt lợi ích doanh nghiệp trên lợi ích cộng đồng?

Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu thực trạng, dư luận bất bình về việc chặt hạ cây xanh nhiều năm tuổi, thay thế cây giá trị thấp ở thủ đô Hà Nội và việc lấp sông Đồng Nai. “Cử tri đặt câu hỏi, có hay không việc đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích cộng đồng, trách nhiệm của hai địa phương nói trên ra sao? Chính phủ chỉ đạo xử lý vấn đề này như thế nào?”, ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.

Về việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước dư luận về chặt cây xanh ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có ý kiến, thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, việc chặt cây ở đường Nguyễn Trãi để phục vụ cho việc làm đường sắt trên cao. Đối với đường Nguyễn Chí Thanh, chặt cây để thay thế các cây hư hỏng, ngã đổ. 

Qua thanh tra, Hà Nội đã kết luận, việc làm đề án còn sơ sài, quá trình thực hiện còn một số sai sót nhất định, như không công khai dân chủ, không vận động nhân dân, không lấy ý kiến nhân dân… Qua thanh tra, thành phố Hà Nội đã kết luận: Sẽ kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân vi phạm khuyết điểm.

Về việc lấp sông Đồng Nai, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, cử đoàn thanh tra liên ngành xem xét. Đồng thời Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cử người xuống phối hợp xem xét. Đoàn thanh tra đã kiến nghị tạm dừng dự án lấp sông Đồng Nai để xem việc chắn dòng 100 mét, 70 mét, 50 mét có ảnh hưởng đến dòng chảy không, đồng thời tiếp tục đánh giá tác động môi trường để trình Chính phủ quyết định.

Có hiện tượng cán bộ xa dân

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) phản ánh tình trạng cán bộ công chức Nhà nước có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “xa dân gần quan”, lệch chuẩn trong văn hoá ứng xử, quên hẳn trong bộ nhớ hai từ “cảm ơn và xin lỗi”. ĐB Tiến nêu chất vấn Phó Thủ tướng về giải pháp cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng công chức, viên chức để họ là người công bộc của dân?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước hiện có gần 4 triệu cán bộ công chức, viên chức (chưa tính lực lượng vũ trang). Đội ngũ này nếu làm tốt sẽ tạo sức mạnh to lớn, đưa chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước thành sức mạnh quần chúng. Do đó, từng cán bộ phải gương mẫu, lễ phép phục vụ nhân dân là yêu cầu rất quan trọng. “Đúng là có hiện tượng một bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu. Tôi cho đây là vấn đề đạo đức công vụ”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

“Ngày trước chúng ta đánh giặc phải kêu gọi toàn dân. Giờ làm kinh tế, bảo vệ an ninh xã hội cũng cần huy động như vậy”. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
  

Ngăn ngừa thực trạng này, QH đã ban hành các đạo luật về công chức, viên chức, Chính phủ cũng có 18 Nghị định hướng dẫn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định. Tới đây, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, đổi mới, như xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, đặc biệt là thi tuyển để tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá kịp thời để đưa cán bộ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy.

Chưa hài lòng, ĐB Lê Như Tiến tái chất vấn: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cử tri và dư luận xã hội đã băn khoăn và cảnh báo về tỷ lệ 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Đến nay đã cuối nhiệm kỳ, xin Phó Thủ tướng cho biết tỷ lệ này hiện bao nhiêu và giải pháp để giảm số cán bộ này?”.

Phó Thủ tướng cho biết, dù không nhiều, song tình trạng công chức “cắp ô” đang diễn ra. “Tỷ lệ bao nhiêu tôi cũng chưa nắm chắc chắn. Lần trước tôi nói dư luận xã hội nói như vậy chứ không phải Phó Thủ tướng nói. Nhưng theo báo cáo từ các Bộ, ngành và địa phương, tỷ lệ này nhìn chung là thấp”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị các địa phương rà soát để giảm mạnh tỷ lệ cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”…

“Phó Thủ tướng cho biết tỷ lệ cán bộ công chức loại này có giảm không?”, Chủ tịch QH ngắt lời. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Nhìn chung tinh thần là có giảm, nhưng phải giảm mạnh hơn nữa. Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản bộ máy biên chế, trước tiên chúng ta sẽ phải loại bỏ số cán bộ này trước”.

Xã hội hóa có độc quyền hóa giao thông?

Đề cập đến chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) băn khoăn với việc tư nhân hóa, độc quyền hóa trên các công trình. Đánh giá cao dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang về đích trước hạn trong bối cảnh vốn trái phiếu Chính phủ mới chỉ cấp đủ 50% cho nhu cầu, còn lại phải huy động các nguồn khác. Tuy nhiên, ĐB Sinh muốn Chính phủ giải thích rõ cơ chế huy động vốn và kiểm soát chất lượng, chống đội giá ra sao?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT thì cần hơn một triệu tỷ đồng vốn, trong đó vốn huy động xã hội khoảng 70%. “Ngày trước chúng ta đánh giặc phải kêu gọi toàn dân. Giờ làm kinh tế, bảo vệ an ninh xã hội cũng cần huy động như vậy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định xã hội hóa không đồng nghĩa với tư nhân hóa, vì dù theo hình thức nào cũng đều phải theo nguyên tắc đầu tư, khai thác một thời gian rồi chuyển lại cho nhà nước với giá không đồng.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định không hề có chuyện độc quyền, vì quản lý giá chi phí, thu phí, nhà nước đều kiểm soát, làm sao để cả nhà nước, nhà đầu tư và người dân cùng có lợi.